Xóa nhà tạm để nâng cao chất lượng nông thôn mới

Các địa phương đã và đang tập trung công tác xóa nhà dột nát, nhà tạm để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng NTM.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM triển khai trên địa bàn tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. MTTQ các cấp cũng chủ động gắn kết chặt chẽ với việc triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo và sự chung sức của cả cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ðặc biệt, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, vì đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công tác giảm nghèo và xây dựng NTM. Theo đó, thi đua huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp, của toàn dân nhằm thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng.

Từ sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, nhiều huyện, xã... đã hăng hái trong việc vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ðiển hình như xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Trong năm 2023, xã Trần Hợi đã vận động nhiều nguồn tài trợ, xây dựng được 19 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã vận động hỗ trợ được 7 căn nhà, mỗi căn trị giá từ 40-65 triệu đồng, tùy nguồn tài trợ.

Chị Phạm Thị Ðậm, ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, có chồng làm thuê, tiền công 200 ngàn đồng/ngày, bản thân chị ở nhà nội trợ nuôi 3 con. Lúc trước, căn nhà của gia đình bằng cây lá địa phương tạm bợ, lụp xụp. Nhờ sự vận động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang trị giá 65 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Đậm cũng đã có căn nhà khang trang nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân và Hội phụ nữ xã Trần Hợi.

Chị Phạm Thị Đậm cũng đã có căn nhà khang trang nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân và Hội phụ nữ xã Trần Hợi.

Chị Ðậm chia sẻ: “Ngày trước gia đình tôi thuộc hộ nghèo, sau đó nỗ lực, xuống còn hộ cận nghèo. Suốt 10 năm qua, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn nhưng chỉ đủ chi phí cho gia đình tạm ổn, không dám mơ chuyện cất nhà mới. Nhờ chị em hội phụ nữ, chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây căn nhà này hồi tháng 4 năm nay mà gia đình tôi có căn nhà khang trang, không sợ mưa nắng nữa”.

Chị Lý Thị Tuyền từ Bình Dương về quê hương ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, sinh sống. Chồng chị Tuyền làm thuê, còn chị chăm sóc 5 đứa con nhỏ. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhà ở tạm bợ với vách lá, nền đất. Chị Tuyền chia sẻ: “Nhờ các ban, ngành, đoàn thể tại xã quan tâm, vận động xây dựng cho gia đình tôi được căn nhà. Có nhà khang trang, các con tôi được sống tốt hơn. Chị em cũng giúp con tôi được đi học. Sắp tới, tôi cố gắng tìm việc để có đồng vô đồng ra từ nguồn vốn cho vay từ hội phụ nữ”.

Căn nhà mới được Hội LHPN xã Trần Hợi vận động xây cho chị Lý Thị Tuyền về quê hương sinh sống.

Căn nhà mới được Hội LHPN xã Trần Hợi vận động xây cho chị Lý Thị Tuyền về quê hương sinh sống.

Ðến thời điểm hiện tại, xã Trần Hợi còn 41 hộ nghèo, chiếm 1,17%; 79 hộ cận nghèo, chiếm 2,25%. Xã tập trung vào công tác giảm nghèo và hướng đến xóa nhà tạm, nhà dột nát để nâng cao chất lượng NTM. Ông Nguyễn Văn Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Ngoài thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, địa phương đồng thời tuyên truyền, vận động bà con cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nghị quyết của xã đặt quyết tâm 3 năm liên tục phấn đấu phải xây dựng 1 ấp không còn hộ nghèo vào mỗi năm. Ðến thời điểm này, trên địa bàn xã có 5/14 ấp không còn hộ nghèo. Chúng tôi tập trung vào những hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo, xem họ cần giúp đỡ, hỗ trợ gì để chung tay đỡ đần. Ðặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong những năm qua được thực hiện tích cực”.

Có thể nói, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong công tác xóa nhà dột, nhà tạm bợ, cần phải có sự chung tay của các cấp, ban, ngành lẫn nguồn lực vận động từ xã hội. Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cùng các cấp hội đã nỗ lực chung tay với các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Trong đó, hội các cấp luôn tích cực cùng với ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhiều chị em hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo có căn nhà để an cư”.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương; đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tạo tiền đề tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế”./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xoa-nha-tam-de-nang-cao-chat-luong-nong-thon-moi-a34729.html