Xóa nhà tạm - hành trình cải thiện cuộc sống cho người nghèo

Chương trình Xóa nhà tạm đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực và đặc biệt có ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống cho người dân nghèo khắp đất nước. Trong những năm qua, chương trình đã mang lại cho hàng nghìn gia đình cơ hội sở hữu một mái ấm vững chắc, từ đó ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Đằng sau sự thành công của chương trình là một câu chuyện dài về những nỗ lực, sự quan tâm và tấm lòng của các tổ chức, cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân. Nỗ lực này đã và đang khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn hệ thống chính trị tại các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học tặng hoa cảm ơn đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Chính Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học tặng hoa cảm ơn đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Chính Thành

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp đầu năm 2025 về thực hiện Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Toàn tỉnh cần khẩn trương, thần tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát và quyết tâm hoàn thành trước tháng 10/2025, trước khi bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Đây là một trong 21 chỉ tiêu của Tỉnh ủy đề ra cần hoàn thành trước đại hội, là chương trình hết sức quan trọng, thể hiện tình cảm đạo lý của dân tộc, phải quyết tâm làm bằng được.

Theo ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện xóa xong 946 căn nhà tạm, nhà dột nát còn lại trong năm 2025 này. MTTQ sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chú trọng hoạt động giám sát, đảm bảo việc triển khai minh bạch, hiệu quả và đúng đối tượng; nỗ lực để trong năm 2025 này, toàn tỉnh sẽ không còn nhà dột nát, nhà tạm theo kế hoạch tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra.

Cụ thể, toàn tỉnh đã huy động được tổng cộng hơn 47,7 tỷ đồng; trong đó, đã phân bổ 46,8 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, 821 căn nhà mới đã được xây dựng và 150 căn nhà cũ đã được sửa chữa. Nhờ đó, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ 971 căn nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch năm 2024 của UBND tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động kinh phí hỗ trợ “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Kết quả, từ ngày 20/12/2024 đến ngày 24/01/2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận trên 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh; phân bổ 4,25 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 85 căn nhà cho hộ nghèo tại huyện Di Linh và Đam Rông.

Chương trình Xóa nhà tạm luôn nhận được sự chung tay trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm

Chương trình Xóa nhà tạm luôn nhận được sự chung tay trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm

Hưởng ứng phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm. Người dân tích cực tham gia với tinh thần "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng cho Phong trào Xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong thời gian ngắn, đã có hàng trăm ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, đáp ứng tiêu chuẩn "ba cứng" (gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng, ở khắp các thôn, làng, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025. Việc xóa bỏ nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển xã hội bền vững.

Một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình xóa nhà tạm là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và cộng đồng. Chính quyền địa phương là đơn vị tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động xóa nhà tạm. Các xã, phường thường xuyên rà soát và lập danh sách các hộ nghèo có nhu cầu xây dựng nhà ở, từ đó huy động sự đóng góp từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân hảo tâm.

Chương trình Xóa nhà tạm đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong suốt những năm qua. Hàng nghìn ngôi nhà tình thương đã được xây dựng và trao tặng cho các gia đình nghèo, giúp họ có một mái ấm vững chắc, an toàn để sinh sống. Những ngôi nhà mới không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn nâng cao tinh thần và hy vọng của người dân.

Một trong những kết quả rõ rệt của chương trình là việc giảm thiểu các nguy cơ tai nạn, bệnh tật do điều kiện sống thiếu thốn. Các gia đình được sống trong môi trường sạch sẽ, khô ráo và an toàn hơn, giúp họ yên tâm hơn trong công việc và học tập. Đồng thời, khi có một nơi ở ổn định, các gia đình cũng dễ dàng cải thiện kinh tế và hòa nhập vào các hoạt động cộng đồng. Đặc biệt, Chương trình Xóa nhà tạm còn góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng, thúc đẩy sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy một điều rõ ràng: khi có sự chung tay của cộng đồng, của các tổ chức và cá nhân, một xã hội tốt đẹp hơn là hoàn toàn có thể. Cải thiện điều kiện sống cho người nghèo không chỉ là việc xây dựng những ngôi nhà kiên cố mà còn là xây dựng niềm tin, hy vọng và tương lai cho những con người đang thiếu thốn. Trong tương lai, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chương trình này sẽ tiếp tục mang lại những mái ấm vững chắc cho hàng triệu gia đình nghèo trên khắp đất nước.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202502/xoa-nha-tam-hanh-trinh-cai-thien-cuoc-song-cho-nguoi-ngheo-0714b8d/