Xóa rào cản trong sản xuất nông nghiệp

Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, quỹ đất manh mún, thiếu chuỗi liên kết, thị trường bấp bênh, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi… là những rào cản khiến nông nghiệp Lào Cai phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tháo gỡ những điểm nghẽn này là 'bài toán' không dễ đối với ngành nông nghiệp tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh đã được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Lào Cai hiện nay còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và những rào cản nên chưa tương xứng với lợi thế, chưa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của ngành.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, phù hợp với xu thế để khuyến khích phát triển nông nghiệp như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập trung đất đai, phát triển hạ tầng, phát triển thị trường… Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách còn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất đai manh mún; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vì thủ tục còn rườm rà, bất cập; một số chính sách về hỗ trợ vốn vay có mức tương đối thấp so với chi phí đầu tư của người dân và doanh nghiệp; thiếu quy định phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương…

Nói về khó khăn trong tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp, ông Đỗ Công Quyền, Chủ tịch UBND xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) cho biết: Trung Chải là xã vùng cao, có địa hình chia cắt mạnh, đất sản xuất của người dân chủ yếu là ruộng bậc thang không liền thửa, liền khoảnh nên khó triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Có rất nhiều đơn vị đến địa bàn xã để khảo sát thuê đất triển khai dự án, nhưng đều thất bại vì diện tích đất không đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Đối với khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, anh Nguyễn Mạnh Quảng, Giám đốc Hợp tác xã rau Y Tý (Bát Xát) cho biết: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi vì thủ tục khá rườm rà. Đăc biệt, hầu hết các nguồn vốn vay đều yêu cầu đơn vị phải có tài sản thế chấp, đó là điều kiện “đánh đố” những cơ sở có nhu cầu vay vốn để phát triển nông nghiệp. Rất mong các cấp, ngành có thể xem xét, điều chỉnh chính sách phù hợp với đặc thù của sản xuất nông nghiệp để hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận.

Một số rào cản khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp Lào Cai đó là việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản, phát triển thị trường còn hạn chế. Hiện nay, đa số nông sản chủ lực của Lào Cai chưa có thương hiệu đủ mạnh, chủ yếu cung ứng ra thị trường và xuất khẩu dưới dạng thô nên thiếu sức cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Một số sản phẩm đặc hữu khác sản xuất kém hiệu quả, thiếu tính ổn định, bền vững; chất lượng và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để nên giá cả bấp bênh. Trong khi đó, số doanh nghiệp đầu tư chế biến nông - lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh không nhiều, quy mô cơ sở chế biến nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng; khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng chưa ổn định, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đề xuất tham mưu và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục rào cản trong sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp bám sát các nhiệm vụ trong Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân phát triển các nông sản chủ lực của tỉnh nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, bắt kịp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh trên cơ sở rà soát, sửa đổi quy định các chính sách cũ. Đồng thời, bổ sung một số chính sách mới phù hợp thực tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, giá trị của nông sản hàng hóa.

Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đi đôi với xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Chú trọng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thực hiện tốt dự báo, thông tin thị trường để định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản, nắm bắt nhu cầu thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hợp tác, liên kết, trong đó lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt để tổ chức sản xuất tập trung, có sản phẩm đủ lớn để phục vụ chế biến và xuất khẩu; phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả; tăng cường liên kết giữa các vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc hữu tại địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức kinh tế, hợp tác xã với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

“Lào Cai sẽ tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến nông sản gắn với các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, tập trung một số ngành hàng chủ lực (dược liệu, chè, quế; chế biến thịt gia súc, gia cầm…). Trước mắt, đến năm 2025, phát triển các cơ sở chế biến nông - lâm, thủy sản và các nhà máy chế biến được sử dụng máy móc trang - thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông lâm sản. Sau năm 2025, tập trung nâng cấp, phát triển thêm các cơ sở hiện đại để tăng công suất chế biến”, ông Đỗ Văn Duy cho biết thêm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360435-xoa-rao-can-trong-san-xuat-nong-nghiep