Xoắn đại tràng cần phát hiện sớm và chữa trị kịp thời

Xoắn đại tràng là một bệnh lý cấp cứu của đường tiêu hóa, gây tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa trong lòng ruột và ngăn cản dòng máu nuôi dưỡng ruột.

Xoắn đại tràng có thể xảy ra ở nhiều đoạn ruột khác nhau, trong đó phổ biến nhất là xoắn đại tràng sigma và xoắn manh tràng. Bệnh cảnh của xoắn đại tràng có thể trong tình trạng cấp tính, mạn tính hoặc bán cấp.

Bệnh do nhiều nguyên nhân

Tùy vào vị trí xoắn đại tràng mà có những nguyên nhân đặc hiệu khác nhau gây ra. Xoắn đại tràng sigma hiện vẫn chưa được hiểu do nguyên nhân cụ thể gì và thường xuất hiện trong những bối cảnh sau: chiều dài của đại tràng sigma lớn; Tồn tại nhiều dây dính quanh đại tràng sigma, thứ phát sau viêm nhiễm hoặc các thủ thuật can thiệp vùng chậu; Táo bón kéo dài; Mắc bệnh Hirschsprung hay phình đại tràng bẩm sinh vô hạch.

Nguyên nhân gây xoắn manh tràng được cho rằng có liên quan đến những bất thường trong việc cố định manh tràng vào thành bụng. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến dính, dây chằng, tăng áp lực ổ bụng do có khối u hoặc trong thai kỳ, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh dù vai trò chỉ phụ trợ.

Xoắn đại tràng có nguy hiểm?

Xoắn đại tràng là một bệnh lý cấp cứu bụng cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh nhân bị xoắn đại tràng cấp tính xuất hiện những triệu chứng một cách đột ngột, bao gồm: đau bụng cấp, từng cơn; trướng bụng xảy ra nhanh do tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa. Trướng bụng không đều, ít khi xuất hiện trướng bụng toàn bộ. Xoắn đại tràng sigma gây trướng bụng bên trái, trong khi xoắn manh tràng gây trướng bụng bên phải. Bệnh diễn tiến nhiều giờ gây trướng toàn bộ vùng bụng; Nôn mửa nhiều, đôi khi nôn ra cả mật có màu vàng xanh và vị đắng; Không trung, đại tiện được.

Hình ảnh xoắn đại tràng.

Hình ảnh xoắn đại tràng.

Xoắn đại tràng cấp tính khiến người bệnh bị đau trướng bụng.

Khi xoắn đại tràng diễn tiến mạn tính, hội chứng bán tắc ruột là biểu hiện lâm sàng chính. Người bệnh cảm thấy đau bụng râm ran, căng tức vùng bụng dưới, táo bón, đôi khi trung tiện được. Nếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng, rất khó để phân biệt được xoắn đại tràng sigma với xoắn manh tràng.

Bệnh xoắn đại tràng cấp tính nếu không được chẩn đoán sớm để điều trị tái thông tiêu hóa kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Dịch tiêu hóa ứ đọng làm giãn lớn đoạn ruột bên trên chỗ tắc làm tăng nguy cơ vỡ ruột. Thành ruột trong xoắn đại tràng không được nuôi dưỡng đủ nên dễ tổn thương, viêm hay hoại tử. Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc. Nôn mửa nhiều trong bối cảnh tắc ruột đưa đến các rối loạn nước và điện giải, ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể, đáng sợ nhất là hệ tim mạch. Khi xuất hiện biến chứng, tổng trạng bệnh nhân thường suy kiệt, xuất hiện sốt, phản ứng thành bụng, co cứng thành bụng, rối loạn huyết động nếu nghi ngờ có sốc nhiễm trùng.

Các dạng thường gặp

Xoắn đại tràng sigma là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 8% trường hợp tắc ruột, gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây xoắn đại tràng sigma chưa được biết rõ nhưng các nhà chuyên môn biết các yếu tố dễ gây bệnh là: đại tràng sigma dài, 2 chân đại tràng sigma gần nhau; người bị bệnh táo bón; bệnh nhân bị phình đại tràng bẩm sinh.

Xoắn manh tràng chiếm khoảng 1-3% các trường hợp tắc ruột, hay gặp ở người độ tuổi 20-40. Sự bất thường về cố định đại tràng lên và manh tràng vào thành bụng là nguyên nhân chính gây ra xoắn manh tràng. Các yếu tố dễ gây bệnh là: phụ nữ có thai, u vùng chậu, người có thói quen ăn quá nhiều, quá no. Có 2 thể xoắn manh tràng là xoắn thật sự do manh tràng xoay quanh trục đại tràng lên, chiếm 2/3 số ca bệnh, dễ dẫn đến hoại tử; gập góc manh tràng, manh tràng bị gập lên trên và vào giữa theo trục ngang.

Xoắn manh tràng mạn tính cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý gây hội chứng bán tắc ruột non khác: u ruột non, lồng ruột non, lao ruột...

Đối với bệnh nhân nghi ngờ xoắn cấp tính đại tràng sigma hay manh tràng, các bệnh lý sau đây nên được loại trừ: hội chứng giả tắc đại tràng cấp tính, viêm tụy cấp, nhồi máu mạc treo ruột, viêm phúc mạc ruột thừa, thủng ổ loét dạ dày - tá tràng, thủng khối u hay túi thừa đại tràng.

Nội soi chữa bệnh xoắn đại tràng.

Nội soi chữa bệnh xoắn đại tràng.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị chính của xoắn đại tràng là tháo xoắn, tái lập lưu thông tiêu hóa, điều trị hỗ trợ và giải quyết các biến chứng nếu có. Tháo xoắn đại tràng có thể thực hiện qua ngã hậu môn trực tràng bằng thụt barium dưới màn hình tăng sáng hoặc qua nội soi đại trực tràng. Khi thất bại hoặc bệnh nhân xuất hiện biến chứng như viêm phúc mạc, hoại tử ruột, rối loạn nước điện giải nặng, phẫu thuật tháo xoắn đoạn ruột cần được chỉ định cấp cứu.

Trong phẫu thuật, ngoài tái lập lưu thông tiêu hóa, các biến chứng hoặc nguyên nhân gây bệnh cũng được phối hợp giải quyết. Các phương pháp điều trị hỗ trợ toàn thân cần được thực hiện song song với việc giải quyết đoạn ruột bị xoắn. Điều chỉnh rối loạn điện giải, kháng sinh chống nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng...

BS. Nguyễn Thị Phương Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xoan-dai-trang-can-phat-hien-som-va-chua-tri-kip-thoi-n188934.html