Xóm 'Lung Đệl'
'Lung Đệl'- có lẽ là một địa danh 'lạ hoắc, lạ huơ' với những lớp hậu sinh sau này như tôi nhưng với những 'lão nông tri điền' thuộc hàng U80 thì cũng có ít nhiều ông lão đã từng nghe và từng gọi...
Sinh thời, ông ngoại tôi thường kể về con kinh nhỏ ấy - một nơi đã gắn liền tuổi thơ của ngoại tôi, mấy cậu và cả tôi. “Hồi nẫm” con kinh này chỉ là con rạch nhỏ, cạn sệt, nước lớn chỉ ngập ngang cổ còn nước ròng thì cạn sát đáy. Bề ngang chỉ chừng chục thước, lại thêm nào dừa nước, nga, lau, sậy ken cứng hai bên nên con kinh đã nhỏ càng thêm nhỏ. Rồi thêm hàng vạn đám lục bình bịt kín lòng kinh quanh năm suốt tháng.
Xưa kia, vùng đất này thuộc điền của ông Hàm (xin dấu tên) nhưng do rất xa, lại là vùng đất bưng trũng trầm thủy chèo chống khó khăn nên rất ít khi đám cọp rằn lui tới hoạnh họe. Tôi còn nhớ, cái xóm nhỏ với vài chục căn nhà cũng rất nhỏ cất cặp bờ kinh ấy không hề có chiếc vỏ máy nào mà chỉ rặt ròng xuồng ba lá, ghe tam bản mới có thể chèo chống vượt qua được khúc lục bình đặc cứng dài thậm thượt ấy. Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần “luồn” xuống đám lục bình ấy để bẻ mớ bông về chấm với mắm kho - một món ăn quê mùa dân dã mà lại ngon vô cùng.
Rồi những tháng hè, tập vở quăng vô một xó nào đó, tôi cùng đám bạn trang lứa “nung” theo hai bên bờ kinh mò tôm, cá rô biển, cá bống dừa... Siêng chút thì dậm “mà” bắt mớ trê vàng, trê trắng... Có hôm bị trê trắng “chém” cho một nhát, nhức đến “méo miệng” nhưng vẫn bường theo anh em cho tới tàn cuộc chơi. Thời đó, cá tôm trên ruộng hay dưới con kinh Lung Đệl nhiều vô kể - nhất là cá trê vàng. Ngoại tôi nói, cá trê vàng ở Lung Đệl ngon hơn chỗ khác, da vàng, thịt cũng vàng và săn chắc hơn nên làm mắm bò hóc óp thì ngon “nhứt xứ Ba Xuyên” luôn. Năm nào cũng vậy, mấy cậu tôi chất vài đống chà trên mặt kinh trước nhà đến khi dỡ chà lúc nào cũng chừa lại cho ngoại vài chục ký trê vàng roi roi để làm mắm bò hóc óp. Những con mắm nhận vào chiếc gáo dừa rồi treo la liệt trên giàn bếp in đậm trong tâm trí tôi đến tận bây giờ...
Rồi những buổi chiều tà sau một ngày ruộng đồng vất vả, ngoại tôi ngồi “độc ẩm” với dĩa mồi nhậu khi thì con cá lóc nướng trui lửa rơm, khi thì cá trê vàng nướng than vỏ dừa hoặc vài con tôm càng nướng cùng với rổ rau rừng cù nèo, rau mát, bông lục bình và một chén nước chấm mắm bò hóc óp thơm lừng lựng. Thỉnh thoảng tôi được ngồi ăn cơm “ké” với chén nước chấm thơm lừng kia và ngoại tôi kể lan man nghe những “chuyện xưa, tích cũ”. Có lần ngoại tôi hỏi tôi: “Lung Đệl là gì?”. Rồi ngoại tôi giải thích: Trây - đệl là cá trê, lung trây đệl là lung cá trê. Bà con mình nói trại “Lung Đệl” riết thành “Lung Đen”. Tôi ngớ người: Thì ra Lung Đen xuất phát từ Lung Đệl. Đó có lẽ là “bài học” đầu tiên về địa danh quê mình.
Tôi rời quê bắt đầu cuộc sống đi học xa nhà, xa quê ngoại cũng là lúc phong trào đào kinh thủy lợi khai nước, xổ phèn cũng bắt đầu phát triển. Con kinh Lung Đệl được Nhà nước đầu tư nạo vét cho dòng chảy thông thoáng để không còn tình trạng ngập úng hàng năm. Những bụi lau lách, nga, sậy được “bứng” thẩy tuốt lên bờ cùng chung số phận với đám lục bình làm phân xanh cho hàng dừa mới vừa nhú đọt. Đi dọc theo con kinh Lung Đen ngày nào giờ tìm đám lau, nga, sậy đỏ con mắt cũng không thấy. Dòng kinh Lung Đệl - Lung Đen ngày nào bị bịt kín hàng hàng, lớp lớp lục bình giờ đã thông thoáng và những cây cầu khỉ nối liền hai bên bờ kinh giờ cũng không còn. Cảnh cũ, người xưa đã quá nhiều thay đổi sau nhiều năm tôi không về thăm quê ngoại. Con đường mòn hẹp té ngày nào giờ đã được bêtông hóa phẳng phiu.
Trên con đường này, tôi trầy trật mãi mới tìm được nhà ông anh bà con cô cậu - người anh thân thiết của tôi ngày xưa, ngôi nhà tường khá bề thế - thành quả của hàng chục năm làm lụng vất vả. Ngồi dưới tán xoài rợp mát phía sau nhà, câu đầu tiên trước khi nâng ly, anh hỏi: “Chú mầy thấy quê mình sao?”. Tôi cười cười: “Tất cả đều lạ. Lạ từ con đường, con kinh Lung Đen, ngoài ruộng... Khác quá xa hồi xưa của tụi mình”. Rồi anh em lan man nhắc lại chuyên xưa, cái thuở anh em ngụp lặn dưới lòng kinh đầy lục bình bất chấp muỗi mòng, đỉa vắt... Tiếng bà chị dâu bất chợt: “Hai thằng già đầu bạc, nhậu ít ít thôi, còn chừa bụng ăn cơm nhen!”. Hai gã đầu bạc nhìn nhau cười ngả nghiêng: Mấy chục năm rồi, không khác mới lạ. Con kinh thiên nhiên kia còn thay đổi huống chi con người.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/xom-lung-del-34716.html