Xóm trọ bên cánh đồng, nỗi ám ảnh của những sinh viên 8X nghèo khó
Xóm trọ nghèo thời sinh viên là nơi mà thanh xuân của tôi nương náu, nơi chứng kiến chúng tôi trưởng thành qua những vấp ngã, sai lầm, buông thả…
Bây giờ, khi đã có gia đình, có một căn nhà nhỏ, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, đôi khi tôi nghĩ không hiểu sao ngày xưa vẫn sống vui, sống khỏe trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp và thiếu đủ thứ như thế.
Nhưng có lẽ, chính những ngày tháng vất vả ấy đã tôi luyện chúng tôi trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn để đối mặt với biết bao sóng gió cuộc đời sau này.
18 tuổi, rời khỏi vòng tay của bố mẹ, chúng tôi lên Hà Nội đi học. Việc đầu tiên chúng tôi cần phải thích nghi là cuộc sống ở xóm trọ.
Thế hệ 8X chắc không lạ gì những xóm trọ sinh viên - thường được xây thành từng dãy nhà chạy dài. Khoảng sân ở giữa chỉ rộng chừng 2m, ngước mắt lên là những dây phơi giăng kín quần áo.
Mỗi phòng trọ rộng 12 - 15m2, là nơi sinh hoạt của 2-3 đứa lộc ngộc. Đứa nào có điều kiện mới ở một mình một phòng. Trong căn phòng ấy, chúng tôi học hành, vui chơi, nấu cơm trên chiếc bếp gas du lịch bé xíu.
Đầu những năm 2000, hầu hết phòng trọ sinh viên không có máy điều hòa, không có bình nóng lạnh. Mùa hè, quạt bật hết công suất cũng không xua nổi cái nóng hầm hập từ mái tôn dội xuống. Mùa đông, gió thông thống lùa vào khiến đứa nào đứa nấy ngại ngần khi phải chui ra khỏi chăn mỗi sáng.
Khổ nhất là những đứa sống ở khu trọ có nhà vệ sinh dùng chung. Mưa gió rét mướt, đêm hôm cũng phải ra khỏi phòng mới đi vệ sinh được. Những khu này thường có giá rẻ hơn hẳn nhưng cũng không hề ế khách. Sinh viên nghèo, chẳng để ý nhiều, cứ rẻ là thuê. Phòng xấu tầm nào thì có đứa nghèo tầm ấy.
Phòng trọ sinh viên ngày ấy đúng nghĩa chỉ có… phòng không. Mỗi phòng được trang bị vài cái dát giường, kê sát mặt đất. “Nội thất” chỉ có thế là đủ chuẩn phòng trọ sinh viên. Đứa nào sang hơn thì mua mấy tờ giấy người ta vẫn dùng để gói quà về dán tường.
Tôi nhớ mình từng ở trong xóm trọ nằm sát cánh đồng. Bên dưới lớp mái tôn là một lớp lót trần bằng xốp. Khổ nỗi, lâu ngày miếng xốp hở toác, để lộ cả mái tôn. Mỗi lần ngủ trưa, tôi chết khiếp khi nhìn thấy đầu mấy con thằn lằn thò ra ở lỗ hổng. Thi thoảng, có con trượt chân, rơi bộp xuống sàn nhà, rồi chạy biến ra sân.
Ấy thế mà những sinh viên ngày ấy vẫn ở, vẫn dùng, chẳng đứa nào phàn nàn, chê bôi.
Xóm trọ sinh viên giống như một xã hội thu nhỏ. Dù tuổi tác, hoàn cảnh của chúng tôi khá tương đồng – đều là đám sinh viên tỉnh lẻ lên Thủ đô trọ học, nhưng mỗi đứa một tính cách, sở thích nên hỉ, nộ, ái, ố đủ cả.
Vui nhất là mỗi khi xóm có sinh nhật. Mỗi đứa góp 10 nghìn đồng, gom lại cũng được đôi ba trăm. Hai ba trăm nghìn ngày đó to lắm. Tôi nhớ tiền phòng cả tháng thời ấy chỉ có 400.000 - 500.000 đồng. Hai ba trăm nghìn là mua được hơn chục cân hoa quả, thêm ít đồ ăn vặt, tha hồ liên hoan.
Những ngày lễ to như 8/3 thì mỗi đứa góp 100 nghìn để liên hoan mặn. Toàn một lũ lộc ngộc vừa xa gia đình, sống đời tự lập được 2-3 năm nhưng nấu món nào ra món ấy, không thua gì cỗ bàn ở quê. Phải nói đời sinh viên đã tôi luyện chúng tôi nhiều thứ, một trong những thứ tuyệt vời nhất là kỹ năng nấu ăn.
Xóm trọ nào cũng có một anh biết chơi đàn guitar, cứ mỗi dịp nhà có hội là lại gảy vài bài. Xóm nào cũng có đôi ba đứa hài hước, mở miệng nói câu nào là cả xóm cười như được mùa. Và xóm nào cũng có 1 đứa “đại gia”, không bao giờ hết tiền…
Xóm trọ sinh viên cũng có một “đặc sản” là những cặp đôi. Đời sinh viên của tôi đã trải qua 5-7 xóm trọ, không xóm trọ nào là không có 1-2 cặp yêu nhau. Tình yêu sinh viên thời chúng tôi không bạo dạn như bây giờ, nhưng phòng nào có đôi yêu nhau, thì những đứa chung phòng còn lại cũng phải giả mù giả điếc.
Có nhiều cặp đôi thời sinh viên giờ đã là vợ chồng, hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
Ấy là chuyện vui, chuyện buồn cũng có nhưng ít hơn. Hình như khi người ta trẻ, chẳng có mấy chuyện được coi là buồn. Hết tiền, thất tình, nợ môn chắc là những nỗi buồn lớn nhất của sinh viên.
Xóm trọ sinh viên cũng là nơi chứng kiến chúng tôi trưởng thành qua những vấp ngã, sai lầm, buông thả… Nơi này, chúng tôi bắt đầu học cách tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Không ai giám sát, quát nạt chuyện học hành, chẳng ai cấm đoán chuyện yêu đương, thích ngủ giờ nào, dậy giờ nào… đều tự mình quyết định.
Chẳng thế mà có những đứa khi trở thành sinh viên khác hẳn thời còn học phổ thông, theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Nhưng hầu hết, chơi mãi rồi cũng chán, tự do mãi rồi cũng phải vào khuôn khổ khi chuyện cơm áo lại ập đến. Ai cũng phải ra trường, phải đi làm, phải kiếm tiền, phải tiếp tục vòng quay cuộc đời mình.
Xóm trọ sinh viên – nơi có những người trượt dốc, có những sai lầm tuổi trẻ, những hoàn thiện mình để trưởng thành – sẽ mãi là góc ký ức không bao giờ quên với chúng tôi.
Nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay cho rằng, tuổi đôi mươi là điểm phát triển ngọt ngào để chúng ta lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai. Đó là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Khi ấy, chúng ta không chỉ có sức khỏe, có khao khát cùng sự sục sôi của tuổi trẻ, mà còn có cả những giấc mơ đẹp và những kỷ niệm tuyệt vời.
Báo VietNamNet mở diễn đàn Tuổi đôi mươi để cùng độc giả ôn lại những khoảnh khắc khó quên về thời điểm chuyển tiếp đặc biệt trong cuộc đời này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn.
Thu Lê (Hà Nội)