Xót xa nhìn con ngủ gục trên bàn học, cha mẹ cần làm gì để giúp con giảm áp lực?

Nhấn mạnh 'kì thi vào lớp 10 rất quan trọng nhưng con còn quan trọng hơn bất cứ kì thi nào', TS. Nguyễn Thị Thắm, chuyên gia tâm lý giáo dục chia sẻ với phụ huynh đồng hành đúng cách để giúp con giảm căng thẳng, áp lực.

Để giảm bớt áp lực, căng thẳng cha mẹ cũng nên khuyến khích con tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày.

Để giảm bớt áp lực, căng thẳng cha mẹ cũng nên khuyến khích con tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày.

Xót xa thấy con ngủ gục trên bàn học

Trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh, các con thường có tâm lý nhạy cảm khi phải đối mặt với áp lực học tập, căng thẳng thi cử. Việc giữ gìn sức khỏe, tinh thần là điều vô cùng quan trọng đối với các sĩ tử để đạt được kết quả tốt. Lúc này, sự quan tâm, thấu hiểu của cha mẹ sẽ giúp con giảm bớt nỗi lo.

Chị Mỹ Phượng (Hà Nội), mẹ của hai con trai đang học lớp 9, cho biết: Cả ngày các con đi học ở trường, tối đến lại đi ôn thi tại trung tâm, về nhà tắm giặt, ăn uống rồi quay vào học tiếp. Nhiều đêm 12h vẫn thấy con chong đèn, sáng hôm sau dậy trong tình trạng uể oải, thậm chí còn ngủ gật trên lớp. "Thương các con lắm, nhiều khi nhắc con đi ngủ sớm để giữ sức khỏe mà con lo làm bài nên nhất định không chịu", chị Phượng nói.

Anh Nguyễn Hải Nguyên (Phú Thọ) cũng không khỏi xót xa khi thấy con gái thường ôn bài đến nửa đêm, nhiều khi chưa học xong đã thiếp đi ngay trên bàn học. Điều này khiến gia đình anh lo lắng, không biết liệu con có thể đảm bảo được sức khỏe và tinh thần tốt đến ngày thi hay không.

Chị Mỹ Phượng và anh Nguyên chỉ là 2 trong số rất nhiều bậc phụ huynh đang lo lắng cho con cái trước kỳ thi. Thực tế cho thấy, áp lực học tập không chỉ đến từ yêu cầu của nhà trường mà còn xuất phát từ chính những kỳ vọng và sự chăm lo của gia đình, điều này khiến không ít học sinh cảm thấy quá tải.

TS. Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục Braincare.

TS. Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục Braincare.

Tứ bề áp lực

Chia sẻ với cả phụ huynh và học sinh, TS. Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục Braincare, đã chỉ ra ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Yếu tố đầu tiên phải kể đến là xuất phát từ chính bản thân các em học sinh. Nhiều em không hiểu rõ khả năng của bản thân, có những lựa chọn, xác định thiếu chính xác về mục tiêu của mình. Ví dụ, có một học sinh nam lớp 9 ở Hưng Yên, thấy bạn bè cùng lớp thi vào những trường tốp cao, nên cũng chọn theo, mà không quan tâm đến năng lực của chính mình.

Hàng ngày em này đã đi học bổ sung thêm kiến thức, ít có thời gian chăm sóc bản thân. Luôn áp lực khi thấy các bạn được điểm cao còn mình chưa đạt như kì vọng nên thiếu tự tin, sợ hãi lo lắng quá mức, thậm chí còn muốn nghỉ học, chạy trốn khỏi trường học. Vấn đề ở đây là các em không thực sự hiểu mình như thế nào và không biết mình nên chọn mục tiêu nào phù hợp với mình, không quá cao nhưng không quá thấp để em thấy phải nuối tiếc.

Các mốc quan trọng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Hà Nội lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Trong khi đó, TS Thắm cho biết: Trí tuệ cảm xúc của các con hạn chế sẽ dẫn đến dễ căng thẳng, stress, lo lắng quá mức. Đối với các em thi vào lớp 10, các trường có những cuộc khảo sát kiến thức liên tục, thi giữa kỳ, cuối kỳ, nếu không có kĩ năng quản lý cảm xúc tốt sẽ rơi vào căng thẳng hoặc có những rối loạn tâm lý. Vì vậy, việc phát triển trí tuệ cảm xúc của học sinh, đặc biệt kĩ năng quản lý cảm xúc, làm chủ cảm xúc của bản thân là rất quan trọng đối với học sinh lớp 9.

Quản lý thời gian cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Có nhiều bạn học sinh lớp 9 đã đến Viện Tâm lý Giáo dục chia sẻ con chỉ kịp ăn vội miếng bánh, hộp sữa lại đến giờ vào lớp học. Như vậy thời gian để con nghỉ ngơi thư giãn không có, không đảm bảo đủ sức khỏe.

Một số học sinh thì dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại và không hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Dần dần các con mất động lực học tập.

Vì vậy, theo chuyên gia chia sẻ, việc sắp xếp thời gian học cho con cũng rất quan trọng, tuy nhiên phải có sự tham gia của phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý, phù hợp với năng lực, nguyện vọng của con. Cha mẹ cần có sự thỏa thuận cùng con để kiểm soát việc sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý, tránh tình trạng để con lạm dụng.

Bên cạnh đó, yếu tố về gia đình cũng tác động nhiều đến tâm lý của các con trước kì thi. Sự kì vọng quá cao của bố mẹ hoặc là sự bỏ bê, thiếu quan tâm cũng khiến con cảm giác bơ vơ, không biết chọn trường nào cho hợp lý sẽ ảnh hưởng lên tâm lý của các con. Nhiều cha mẹ có sự so sánh con với các bạn một cách ngẫu nhiên nhưng lại làm con thấy như đổ lỗi, áp lực và cảm giác mình tồi tệ.

Ngoài ra, còn áp lực đến từ cộng đồng, trường học và thầy cô. Thời đại ngày nay là thời đại công nghệ số, nhiều suy nghĩ tiêu cực, trái chiều trên không gian mạng đã vô hình chung tác động mạnh đến tâm lý của các em học sinh lớp 9 cũng như phụ huynh. Nhiều trường cũng áp lực việc học sinh chọn trường THPT cho phù hợp, đặc biệt sự cạnh tranh giữa các trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Do đó, việc phân chia lớp và tổ chức ôn thi trước kì thi vào lớp 10 cần phải được điều chỉnh để giảm bớt áp lực cho mỗi học sinh.

Sự đồng hành của cha mẹ sẽ giúp các con giảm bớt áp lực căng thẳng trước kì thi vào lớp 10 (Ảnh minh họa).

Sự đồng hành của cha mẹ sẽ giúp các con giảm bớt áp lực căng thẳng trước kì thi vào lớp 10 (Ảnh minh họa).

Đồng hành cùng con đúng cách

Để giúp học sinh lớp 9 giảm bớt áp lực căng thẳng trước kì thi vào lớp 10, TS. Nguyễn Thị Thắm đã gợi ý một số cách cho cha mẹ. Đầu tiên, cần tập trung vào việc cải thiện sức khỏe thể chất, đảm bảo giấc ngủ và chế độ ăn uống phù hợp. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày.

Giải pháp quan trọng nhất chính là yếu tố tinh thần, các bậc cha mẹ hãy nói chuyện với con, lắng nghe những lo lắng và giúp con tự tin hơn. Việc khích lệ các em bằng "ngôn ngữ yêu thương" sẽ giúp tạo ra một môi trường học tập thoải mái. Thay vì chỉ trích điểm số, so sánh với các bạn, la mắng, ba mẹ nên khuyến khích con nhìn nhận những nỗ lực của chính mình và hài lòng với những gì con đang có. Cố gắng lắng nghe tích cực để "nghe sao cho con nói và nói sao cho con nghe". Cùng con chia sẻ về cảm xúc mỗi ngày, là chỗ dựa tinh thần để con giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của con.

TS. Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục Braincare.

Cuối cùng là việc xây dựng một không khí gia đình tích cực. Cha mẹ dành thời gian cho con, cùng con thư giãn những ngày cuối tuần, đi ra ngoài, cùng cà phê, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng giúp con cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, từ đó tự tin hơn trong học tập. Giảm các kì vọng, áp lực học tập, cha mẹ cố gắng trao quyền cho con, cùng con đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với khả năng, sở thích của con.

"Trong thời điểm căng thẳng này, điều quan trọng nhất vẫn là tạo ra sự tin tưởng với con, giúp các em hiểu rằng việc vào được trường này hay trường kia không quan trọng bằng việc cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Các con cần có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của chính mình. Cha mẹ cũng giảm bớt áp lực cho chính mình, bởi lẽ "kì thi vào lớp 10 rất quan trọng nhưng con còn quan trọng hơn bất cứ kì thi nào".

Phượng Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/xot-xa-nhin-con-ngu-guc-tren-ban-hoc-cha-me-can-lam-gi-de-giup-con-giam-ap-luc-192250422145938771.htm