Đưa 'Bình dân học vụ số' đến từng nhà, từng khu phố

'Bình dân học vụ số' giúp trang bị kỹ năng số thiết yếu để người dân tự tin tham gia không gian số, ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế. Đây là nền tảng để xây dựng công dân số, xã hội số và chính quyền số.

Những giải pháp để tổ chức thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” đã được bàn thảo tại tọa đàm diễn ra ngày 22/4 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là bước ngoặt chiến lược, đặt ra yêu cầu cấp bách và định hướng phát triển mang tính đột phá.

Đối với TP.HCM, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP là cơ sở pháp lý quan trọng, là “cơ hội vàng” để TP triển khai hiệu quả các nội dung mà Nghị quyết 57 đã đề ra. TP.HCM có thể đi đầu, đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện các định hướng chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quang cảnh tọa đàm về "Bình dân học vụ số" tại TP.HCM ngày 22/4

Quang cảnh tọa đàm về "Bình dân học vụ số" tại TP.HCM ngày 22/4

Ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự thành công, cần phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản đến mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào “Bình dân học vụ số” do Ban Chỉ đạo Trung ương phát động mang tính thời sự và chiến lược, kế thừa tinh thần ham học, xóa mù chữ của dân tộc trong quá khứ, nay được đặt trong bối cảnh mới, thời đại số.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến khẳng định, phong trào chỉ có thể thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giữ vai trò nòng cốt trong việc huy động sức dân, đẩy mạnh tuyên truyền và giám sát thực chất quá trình thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị tham mưu nội dung đào tạo, cập nhật công nghệ mới, kết nối chuyên gia và các tổ chức hỗ trợ. Các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn… là lực lượng triển khai tại cơ sở, đảm nhiệm vai trò phổ cập kỹ năng số một cách gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với từng nhóm dân cư.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ - Thành đoàn TP.HCM

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ - Thành đoàn TP.HCM

Theo anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ -Thành đoàn TP.HCM, trong quá trình thí điểm thực hiện hoạt động chuyển đổi số ở địa phương, đặc biệt là Quận 1 và Quận 3, chính quyền có sự quan tâm rất lớn, tổ chức những đội hình chuyển đổi số cộng đồng. Tuy nhiên, các tổ chuyển đổi số cộng đồng chủ yếu là cán bộ không chuyên trách ở các khu phố và không phải ai cũng nắm vững công nghệ.

"Mình sẽ đưa lực lượng của các bạn trẻ, sinh viên cùng với địa phương, triển khai các nội dung về chuyển đổi số, đặc biệt tập trung vào chuyển đổi số cho cộng đồng, cho người dân. Xuống từng nhà, từng khu phố, từng đối tượng, hướng dẫn cài đặt các phần mềm. Đặc biệt là sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, rồi app công dân Thành phố, thanh toán không dùng tiền mặt, mở tài khoản ngân hàng, sử dụng chữ ký số… Sắp tới, đa phần người dân sẽ tiếp cận và sử dụng, nên đó là nội dung mà mình muốn triển khai theo hướng “bình dân học vụ số”, anh Thành cho biết thêm.

PGS-TS. Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM

PGS-TS. Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM

Để phong trào phát triển bền vững, theo các chuyên gia, cần xây dựng cơ chế truyền thông hiệu quả, hệ thống theo dõi, đánh giá minh bạch và các công cụ duy trì sự phối hợp liên ngành. Chỉ khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, sát thực tiễn, “Bình dân học vụ số” mới có thể lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp vào quá trình xây dựng xã hội số và công dân số.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần nghiên cứu áp dụng những hình thức triển khai sáng tạo như lớp học lưu động, tài liệu kỹ năng số cơ bản dưới dạng video, infographic hoặc ứng dụng di động nhằm phù hợp với nhiều độ tuổi, trình độ. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp công nghệ, startup, tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị và nền tảng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP ký kết ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào "Bình dân học vụ số"

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP ký kết ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào "Bình dân học vụ số"

PGS-TS. Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đối với nhà trường, việc chuyển đổi số gắn liền với chuyên môn và luôn được thực hiện thường xuyên. Quan trọng là làm sao tận dụng công nghệ để phát triển giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

"Chuyển đổi số ảnh hưởng đến mọi mặt của hoạt động giáo dục, việc ứng dụng chuyển đổi số giúp cho quá trình đào tạo được cá nhân hóa tốt hơn. Ví dụ như sử dụng bài giảng số, các video bài giảng theo công nghệ mới thì học sinh, sinh viên có thể học theo khả năng của mình. Khoa học công nghệ có vai trò tiên phong dẫn dắt sự phát triển của kinh tế - xã hội, do đó quá trình chuyển đổi số là quá trình bắt buộc diễn ra. Với vai trò là những người làm khoa học, chúng tôi phải làm sao phát triển những công nghệ mới, giải pháp mới để giúp ích cho mọi mặt đời sống của người dân", PGS-TS. Nguyễn Lưu Thùy Ngân nói.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Ủy ban MTTQ TP.HCM và Sở Khoa học Công nghệ Thành phố đã ký kết ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, hướng đến phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo nội dung hợp tác, MTTQ TP đảm nhiệm công tác tuyên truyền, vận động chuyên gia, xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng và giám sát chính sách. Sở Khoa học Công nghệ thiết kế tài liệu truyền thông, tổ chức “Ngày hội toàn dân học tập số”, triển khai lớp học kỹ năng số, học liệu trực tuyến và tích hợp nội dung số vào thi đua công vụ.

Ngọc Xuân-Anh Nhi/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dua-binh-dan-hoc-vu-so-den-tung-nha-tung-khu-pho-post1194056.vov