Xu hướng đi du lịch chỉ để ngủ - Tại sao không?
Đã bao giờ bạn nghe tới việc đi du lịch chỉ để ngủ (sleep tourism)? Nếu đây là lần đầu tiên biết đến khái niệm này thì bạn cũng đừng nghi ngờ rằng bản thân có phần 0.4 trong thời đại 4.0, bởi xu hướng du lịch nêu trên chỉ mới bắt đầu nổi lên gần đây và được giới chuyên gia dự báo sẽ ngày càng 'bùng nổ' trong thời gian tới ở phạm vi toàn cầu.
Thay vì ưu tiên khám phá những vùng đất mới và thưởng thức các món đặc sản địa phương, sản phẩm du lịch này chú trọng vào việc trải nghiệm không gian lưu trú với "menu" tiện ích được thiết kế phù hợp với từng cá nhân, nhằm giúp du khách cải thiện chất lượng cũng như tận hưởng trọn vẹn một giấc ngủ ngon đúng nghĩa.
Chữa lành cả thể chất và tinh thần
Giấc ngủ là một trong những chức năng sinh học cơ bản, phản ánh sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Tuy nhiên, chức năng này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời kỳ COVID-19. CNN Travel mới đây dẫn kết quả của một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ lâm sàng nêu rõ, có tới 40% trong số hơn 2.500 người trưởng thành tham gia khảo sát cho biết chất lượng giấc ngủ của họ bị suy giảm đáng kể từ khi COVID-19 bùng phát.
Còn theo nghiên cứu của nền tảng Sleep Foundation, nước Mỹ hiện có từ 50-70 triệu người trưởng thành mắc các chứng rối loạn giấc ngủ, đa phần là mất ngủ. Chính vì vậy, cải thiện giấc ngủ thông qua các trị liệu chuyên biệt bỗng trở thành tâm điểm của ngành du lịch.
Tiến sĩ Rebecca Robbins, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả cuốn sách "Ngủ để thành công" lý giải: "Trong đại dịch, tất cả các chu kỳ tự nhiên của chúng ta đều thay đổi. Rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần, dẫn tới trầm cảm. Do vậy, hậu đại dịch, những người này sẽ hướng đến những trải nghiệm giúp họ quay trở lại thói quen trước đây như ngủ nghỉ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên".
Thực tế, trong 12 tháng qua, phân khúc khách sạn xa xỉ đã chứng kiến sự ra mắt của nhiều sản phẩm du lịch cải thiện giấc ngủ. Khách sạn Park Hyatt New York (Mỹ) đã cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite, loại phòng rộng hơn 80m2 với đầy đủ tiện nghi cần thiết nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ; Rosewood Hotels & Resorts cũng ra mắt liệu trình Alchemy of Sleep, được thiết kế để định hình thói quen ngủ đủ giấc. Trong khi đó, Zedwell là khách sạn đầu tiên của London (Anh) tập trung vào sản phẩm du lịch này từ năm 2020 với các phòng được trang bị cách âm đặc biệt.
Hay năm 2021, nhà sản xuất giường Thụy Điển Hastens đã thành lập Hastens Sleep Spa - khách sạn trị liệu giấc ngủ ở thành phố Coimbra (Bồ Đào Nha), nơi phục vụ loại đệm có khả năng điều chỉnh nhiệt độ dựa trên sinh trắc học của khách hằng đêm. Mới nhất, khách sạn Figueroa ở Los Angeles (Mỹ) còn có hẳn một "menu" tiện ích để du khách lựa chọn. Cụ thể, khách sạn sẽ gửi tới khách hàng một phiếu khảo sát từ 2-3 tuần trước khi tới lưu trú, trong đó đưa ra những lựa chọn về loại vải may ga giường, các loại tinh dầu. Đặc biệt, khách sạn sẽ sản xuất một chiếc gối phù hợp với chỉ số cơ thể và thói quen ngủ của mỗi khách.
Kết hợp tiện ích và tư vấn từ các chuyên gia
Theo bà Robbins, các tiện ích ở những khách sạn cung cấp loại hình du lịch này gồm các ghi âm dỗ ngủ, máy phun sương hay trà thảo mộc nhằm giúp khách có thể chìm vào giấc ngủ một cách êm ái nhất, nhưng không đồng nghĩa với việc khuyến khích mọi người ngủ nhiều.
Bà Robbins nhấn mạnh: "Dù hiện tại xu hướng sleep tourism tập trung vào phân khúc khách hạng sang, nhưng giấc ngủ của bạn không nên bị coi là một điều xa xỉ, mà hãy xem đó là một trong những phần quan trọng nhất cuộc đời. Hãy lựa chọn những khách sạn có tiện ích phù hợp với yêu cầu mà bạn đặt ra, đặc biệt, các liệu trình đó cần được cố vấn bởi các chuyên gia y tế uy tín".
Đồng tình với quan điểm này, ông Reno Mueller, CEO Rubix International, một chuyên gia về bất động sản nghỉ dưỡng nhận định: "Nếu ai đó trải nghiệm dịch vụ mà không đạt được bất cứ tiến triển nào, rất có thể là do họ mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Và đây là lý do quan trọng khiến các cơ sở lưu trú phải đảm bảo rằng ngoài cơ sở vật chất, các khách sạn cần hợp tác với chuyên gia để có thể định hướng chiến lược sleep tourism một cách bài bản. Thay vì để các khách hàng tiềm năng tìm kiếm cụm từ làm thế nào để không bị mất ngủ khi đi du lịch, hãy làm việc có trách nhiệm để những gì họ tìm kiếm là thông tin về các chuyến du lịch cải thiện giấc ngủ".
Về bản chất, du khách đặt phòng khách sạn là để có chỗ ngủ, trong khi trước đây ngành công nghiệp khách sạn chủ yếu tập trung vào những thứ thực sự làm mất ngủ. Mọi người thường liên tưởng việc đi du lịch với những bữa ăn xa xỉ, những điểm tham quan và những điều cần làm khi đi du lịch. Những điều này gần như phải trả giá bằng giảm thời gian ngủ. Giới chuyên gia cho rằng khi sleep tourism tiếp tục phát triển, những ý tưởng tiên phong, sáng tạo hơn nữa trong lĩnh vực này sẽ được ra mắt.
Bà Robbins nhấn mạnh: "Có vô số phương pháp chưa được khám phá đầy đủ khi nói đến du lịch và khoa học về giấc ngủ. Hãy sáng tạo và trải nghiệm thật nhiều bởi khái niệm du lịch thực sự có thể giúp bạn trẻ lại, trở về nhà với trạng thái tươi tỉnh về cả tinh thần và thể chất".
Tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Theo chuyên gia Phạm Hà, Nhà sáng lập và CEO của Lux Group, chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, nhiều hệ thống lưu trú ở phân khúc xa xỉ trên thế giới đã bắt đầu "mở bán" dịch vụ sleep tourism và đây có thể coi là một thị trường ngách. Ông Phạm Hà cho rằng mô hình này hoàn toàn có khả năng phát triển tại Việt Nam bởi nhiều tạp chí nổi tiếng như Conde Nast Traveler hay Travel and Leisure đều đánh giá đất nước hình chữ S là điểm đến du lịch sang trọng mới nổi của thế giới.
Chuyên gia nêu rõ: "Sau đại dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe toàn diện nổi lên như một nhu cầu trọng yếu của con người. Thực tế, dù chưa có nhiều khách sạn hay khu nghỉ dưỡng vận hành mô hình này ở Việt Nam một cách chuyên biệt nhưng các nhà phát triển sản phẩm du lịch luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, nên đã lồng ghép điều này vào mỗi sản phẩm của họ để mang lại cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn nhất, giúp du khách vừa có thể ngon giấc và vừa được khám phá văn hóa cũng như gần gũi với thiên nhiên".
Ví dụ như khi tung ra sản phẩm trải nghiệm du thuyền trên các vịnh biển, vấn đề phong thủy của các thiết kế phòng ngủ cần được chủ đầu tư và kiến trúc sư tính toán kỹ lưỡng. Cửa sổ sẽ được đặt ở vị trí nào để vẫn đón được ánh sáng và gió biển đặc trưng, nhưng hạn chế tối đa các ảnh hưởng tới sức khỏe của du khách. Hay khi thuyền neo lại trên biển vào ban đêm thì phải neo theo hướng nào để khi du khách nghỉ ngơi, từ trường của cơ thể sẽ giao thoa với từ trường của trái đất, mang lại giấc ngủ ngon hơn.
Một số nghiên cứu cho rằng, nếu đầu giường quay về hướng Nam, thì những người đang gặp căng thẳng mệt mỏi sẽ ngủ ngon hơn bởi nó mang đến nguồn năng lượng tích cực. Ngoài ra, việc thiết kế hương thơm và cây xanh cũng đóng góp không nhỏ vào sự thoải mái của du khách.
Ông Phạm Hà lưu ý: "Sức khỏe là điều vô cùng quý giá. Nếu thật sự gặp vấn đề về giấc ngủ, bạn hãy chọn một nơi thật uy tín để được chăm sóc và trị liệu. Trong trường hợp bạn không thực sự cần tới một chuyến du lịch chỉ để nâng cao chất lượng giấc ngủ quá chuyên biệt, bạn cũng có thể tự lên kế hoạch cho bản thân, các đơn vị lữ hành và lưu trú tại Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ du khách một cách tối đa".
Được biết, thời gian gần đây, du lịch Việt Nam khởi sắc trên các bảng xếp hạng thế giới. Báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, du lịch Việt Nam ở vị trí 52/117 nền kinh tế toàn thế giới, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Saudi Arabia (tăng 10 bậc). Đặc biệt, trong số 17 trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới gồm: sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15; tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; an toàn, an ninh, xếp hạng 33.