Xu hướng định hình việc làm với tiêu chuẩn quốc gia quản trị nguồn nhân lực
Thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Ba năm qua thị trường lao động tại Việt Nam cũng như các nước khác đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, chiến tranh, suy thoái kinh tế, điều này vô tình đã gây áp lực rất lớn đối với các tổ chức cũng như người lao động.
Để tìm hiểu về xu hướng định hình việc làm cũng như phương thức giúp các tổ chức, doanh nghiệp quản trị nguồn nhân lực một các hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay, chúng tôi đã có buổi trao đổi với GS.TS Nguyễn Thế Vinh, nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, Đại diện Việt Nam trong Ủy ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn ISO/TC260 “Quản trị Nguồn nhân lực”, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), và ThS. Bùi Ngọc Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Chất lượng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về những vấn đề này.
Thưa GS.TS Nguyễn Thế Vinh, với cương vị của một nhà quản lý, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực, Ông đánh giá như thế nào về các xu hướng chính trong giai đoạn hiện nay?
Theo nghiên cứu của Tổ chức ISO và nhu cầu tại Việt Nam, có ba xu hướng chính định hình thế giới việc làm chúng ta cần quan tâm:
Thứ nhất, sự gắn kết với tổ chức và trải nghiệm nhân viên là ưu tiên mới. Trước đây, tiền lương luôn là công cụ để thu hút nhân tài đến với tổ chức nhưng ngày nay nhân tài quan tâm các yếu tố, chính sách “được cá nhân hóa” hơn. Sự đa dạng và hòa nhập (D&I) sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân viên. Các công ty hoạt động trong thời kỳ số và không biên giới, do đó phải học cách thích nghi với nhân viên có các vấn đề văn hóa khác nhau, họ có thể làm việc ở nhiều địa điểm từ cơ quan hay tại nhà thông qua việc truy cập internet, trong khi chăm sóc cha mẹ già hoặc trẻ nhỏ. Ngoài ra, sự ổn định, bền vững của tổ chức, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng nghiệp, sự linh hoạt… ngày càng trở thành yếu tố quan tâm của người lao động.
Thứ hai, mặc dù chuyển đổi số là điều tất yếu nhưng sự kết nối giữa con người luôn là yếu tố cần thiết. Khi việc vận hành một tổ chức diễn ra trong một thế giới ảo với nhiều quy trình kỹ thuật số, thì trái ngược lại, các công ty sẽ càng coi trọng “kỹ năng mềm”. Không có một địa điểm làm việc hữu hình, nơi làm việc ảo thì càng cần những người quản lý có sự đồng cảm và sáng tạo để giữ gìn sự gắn kết mọi người với nhau, và làm thế nào để người lao động cảm thấy họ đang thuộc về tổ chức họ đang làm việc. Sự thiếu kết nối, truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp và giá trị cốt lõi có thể dẫn đến sự mất lòng tin, không cùng chí hướng và năng suất lao động thấp. Hình thức kèm cặp/cố vấn (mentoring) sẽ là yếu tố quan trọng để xây dựng sự gắn kết trong quá trình số hóa của thế giới việc làm.
Thứ ba là công cụ tiêu chuẩn hóa. Thế giới việc làm sẽ tiếp tục phát triển cùng với công nghệ và các vấn đề xã hội. Người sử dụng lao động cũng như người lao động phải tiêu chuẩn hóa các hướng đi và quy trình mà họ có thể dựa vào trong thời kỳ bất ổn. Các chính sách giống nhau cho tất cả và các công cụ thiếu sắc bén sẽ không còn hiệu quả, đã đến lúc cần có các giải pháp “may đo” phù hợp. Các tiêu chuẩn quốc tế sẽ đưa ra cho người sử dụng lao động có cái nhìn tổng quan trên thế giới về những xu hướng chính, giúp tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các kế hoạch hành động ứng phó kịp thời với những sự việc sắp xảy ra.
Thưa Bà Bùi Ngọc Bích, dưới góc độ của đơn vị chủ trì trong việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, theo Bà, những lợi ích mang lại cho các tổ chức và doanh nghiệp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về quản trị nguồn nhân lực là gì?
Nguồn vốn nhân lực là yếu tố giá trị nhất và khoản đầu tư quan trọng trong các tổ chức. Các tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực song hành các hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong việc thực hiện các mục đích và mục tiêu tổ chức. Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 260 tập trung vào các vấn đề về quản lý con người và tổ chức một cách hệ thống và toàn diện. Các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế sẽ giúp những nhà thực hành có các công cụ và nguồn lực để nhận biết và theo đuổi các mục tiêu chiến lược và đảm bảo cải tiến liên tục công tác quản trị nguồn nhân lực.
Các tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực tạo nền tảng cho sự thành công của tổ chức, giúp cho các bên liên quan của tổ chức ra quyết định chắc chắn, các quy trình và kết quả đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực trong việc sử dụng nguồn nhân lực, do đó, các tiêu chuẩn cũng tạo sự hài hòa các thông lệ nội bộ với các mục tiêu của tổ chức, hướng dẫn hành vi tổ chức, tạo cơ hội thích ứng và áp dụng các thông lệ nhằm gia tăng hiệu quả và giá trị, cho phép các nhà lãnh đạo phân tích, học hỏi và so sánh được các thông lệ với các tổ chức khác, nâng cao sự nhận biết về chính sách giữa các bên liên quan, tạo một cộng đồng bên trong và bên ngoài áp dụng các thông lệ nhân sự trên cơ sở thông hiểu và hiệu quả hơn.
Giáo sư có thể chia sẻ thêm về các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị nguồn nhân lực hiện nay mà Ủy ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn ISO/TC260 “Quản trị Nguồn nhân lực”, Tổ chức ISO đã xây dựng và công bố?
Tính đến nay đã có 27 tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực đã được công bố và 09 tiêu chuẩn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng. Các tiêu chuẩn mới công bố về sau này đều đề cao sự đa dạng tại nơi làm việc và có tính ứng dụng cao. Hệ thống tiêu chuẩn về quản trị nguồn nhân lực vẫn đang được ISO liên tục soát xét và cập nhật để bắt kịp được với các xu hướng thực tiễn.
Ví dụ tiêu chuẩn TCVN 13107 (ISO 30414), Hệ thống quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn báo cáo vốn nhân lực nội bộ và bên ngoài nhấn mạnh giá trị của nguồn nhân lực với các thước đo hữu ích (tổng cộng có 58 thước đo) để hướng dẫn người sử dụng lao động, bao gồm sự tuân thủ và đạo đức, sự đa dạng, khả năng lãnh đạo, văn hóa, sức khỏe, an toàn và phúc lợi, cũng như các chỉ số lực lượng lao động quan trọng khác. Tiêu chuẩn ISO 23326, Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn gắn kết người lao động, đưa ra hướng dẫn về sự gắn kết của nhân viên để tạo ra một môi trường cùng có lợi cho tất cả mọi người, gắn liền với mục đích và giá trị. ISO 30415, Quản lý nguồn nhân lực - Đa dạng và Hòa nhập (D&I) cung cấp các nguyên tắc cơ bản cho các tổ chức mong muốn tạo ra một nơi làm việc hòa nhập và tận dụng các cơ hội mà điều này có thể mang lại. Tiêu chuẩn đề cập đến các hành động, nguyên tắc, biện pháp cũng như trách nhiệm giải trình và trách nhiệm liên quan đi kèm, đồng thời có tính đến bối cảnh riêng của từng nơi làm việc.
Các tiêu chuẩn về quản trị nguồn nhân lực là công cụ không thể thiếu được trong thời kỳ hội nhập và phát triển, vậy Bà có thể cho biết hiện tại Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia về Quản trị Nguồn Nhân lực của Việt Nam đã xây dựng và công bố được những tiêu chuẩn nào?
Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quản trị nguồn nhân lực giúp các tổ chức thuộc mọi quy mô, loại hình cải thiện hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, khắc phục được những khó khăn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Bộ TCVN này được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn các tiêu chuẩn ISO tương ứng, là sản phẩm kết tinh từ tri thức của đội ngũ các chuyên gia đầu ngành quốc tế và trong nước, do đó sẽ là những công cụ rất hữu hiệu và thiết thực cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Tính đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố được 09 TCVN về quản trị nguồn nhân lực. Cụ thể, trong năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định công bố 06 TCVN bao gồm: TCVN 12288:2018, Từ vựng; TCVN 12289:2018, Hướng dẫn tuyển dụng; TCVN 12290:2018, Hướng dẫn quản trị nhân sự; TCVN 12291:2018, Hoạch định lực lượng lao động; TCVN 12292-1:2018, Cung cấp dịch vụ đánh giá. Phần 1: Yêu cầu đối với khách hàng; TCVN 12292-2:2018, Cung cấp dịch vụ đánh giá. Phần 2: Yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ. Cuối năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức công bố thêm 03 TCVN bao gồm: TCVN ISO 30401:2020, Hệ thống quản lý tri thức – Các yêu cầu; TCVN 13106:2020, Quản lý nguồn nhân lực – Quản lý việc làm bền vững cho tổ chức; TCVN 13107:2020, Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn báo cáo vốn nhân lực nội bộ và bên ngoài.
Tổ chức, cá nhân quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc gia trên có thể liên hệ với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, và tham gia các hội nghị phổ biến trên toàn quốc trong thời gian tới.