Xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng

Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm 2025, xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, dòng vốn này có thể phân hóa rõ hơn về chất lượng và lĩnh vực đầu tư. Đây là chia sẻ của TS. Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế (Đại học RMIT Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư.

Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Theo số liệu mới được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng rất tích cực. Bà có bình luận gì về con số này?

TS. Đặng Thảo Quyên: Tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, là mức cao nhất kể từ năm 2009. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sức hấp dẫn mạnh mẽ và khả năng duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng phản ánh niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại, kết quả này của Việt Nam là rất đáng ghi nhận.

Việc vốn thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ, cho thấy không chỉ có cam kết đầu tư mới mà còn có sự hiện thực hóa dòng vốn, một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng thu hút FDI. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký - cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng ghi nhận mức tăng gấp đôi, phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển hạ tầng đô thị.

Các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới 2025 của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 11% trong năm 2024, nhưng Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng cao, duy trì cho tới nửa đầu năm 2025, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. TS. Đặng Thảo Quyên cho rằng, dự gia tăng này được hỗ trợ bởi các yếu tố như vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và môi trường chính trị ổn định.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa vốn đăng ký (21,5 tỷ USD) và vốn thực hiện (11,72 tỷ USD) cho thấy vẫn còn thách thức trong việc triển khai dự án, có thể liên quan đến cơ sở hạ tầng hoặc thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, dù có thay đổi theo hướng tích cực song vốn đăng ký mới giảm 9,6% so với cùng kỳ, do số lượng dự án lớn trên 100 triệu USD giảm. Điều này cho thấy sự dịch chuyển sang các dự án vừa và nhỏ, hoặc các nhà đầu tư đang thận trọng hơn trong bối cảnh chính sách thuế quốc tế tiềm ẩn nhiều thay đổi.

PV: Việc tăng mạnh vốn điều chỉnh (gấp 2,2 lần) và vốn góp, mua cổ phần (tăng 73,6%) phản ánh điều gì về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, thưa bà?

TS. Đặng Thảo Quyên: Sự gia tăng mạnh mẽ về vốn điều chỉnh (gấp 2,2 lần) và vốn góp, mua cổ phần (tăng 73,6%) trong 6 tháng đầu năm 2025 là một minh chứng rõ ràng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đây không chỉ là sự lựa chọn Việt Nam như một điểm đến mới, mà còn là quyết định mở rộng quy mô các dự án hiện hữu – một hành động thường chỉ xảy ra khi nhà đầu tư đánh giá cao hiệu quả hoạt động, tiềm năng thị trường và sự ổn định chính sách.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có tới 826 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm gần 8,95 tỷ USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã có thời gian hoạt động tại Việt Nam, hiểu rõ môi trường kinh doanh và sẵn sàng cam kết lâu dài. Tương tự, 1.708 giao dịch góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 3,28 tỷ USD phản ánh xu hướng đầu tư gián tiếp ngày càng phổ biến, đặc biệt trong các lĩnh vực bán lẻ, công nghệ và bất động sản.

Một khảo sát của EuroCham quý II/2025 cho thấy, gần 72% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư. Dù chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) giảm nhẹ, mức độ sẵn sàng này vẫn rất cao, cho thấy sự kiên định của nhà đầu tư trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động.

Thực tế cũng chứng minh điều này qua các dự án lớn như công viên Yên Sở (Malaysia, tăng vốn 1,12 tỷ USD) hay tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester tại Gia Lai của Syre, một công ty con của tập đoàn H&M (Thụy Điển, vốn đăng ký 1 tỷ USD). Đây là những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường – phù hợp với định hướng thu hút FDI chất lượng của Việt Nam.

Tóm lại, sự gia tăng mạnh mẽ của vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần là minh chứng cho niềm tin ngày càng vững chắc của nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì niềm tin này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện minh bạch, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch đầu tư. Đồng thời, việc phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ sự gia tăng này.

PV: Với những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam, bà dự báo thế nào về xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam? Theo bà, các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ hay xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới?

TS. Đặng Thảo Quyên: Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm 2025, tôi cho rằng, xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, nhưng có thể phân hóa rõ hơn về chất lượng và lĩnh vực đầu tư. Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Việc các tập đoàn đa quốc gia tái cấu trúc chuỗi cung ứng đã tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra thách thức mới. Việt Nam cần có các biện pháp hỗ trợ thay thế, như quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia hay ưu đãi phi thuế (hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính), nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong mắt các nhà đầu tư lớn.

Ngoài ra, các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, Việt Nam đã có những bước tiến trong đàm phán song phương, tuy nhiên sự bất định chính sách vẫn là yếu tố khiến một số nhà đầu tư thận trọng hơn trong giải ngân vốn quy mô lớn.

Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn trong thu hút FDI, nhưng cần chuyển từ chiến lược “ưu đãi thuế” sang “ưu đãi thể chế và chất lượng”. Việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực địa phương, phát triển hạ tầng số và đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa để duy trì và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

PV:Xin cảm ơn bà!

Luyện Vũ

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-huong-dong-von-fdi-vao-viet-nam-se-tiep-tuc-da-tang-truong-179809-179809.html