Luật Việc làm: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Luật Việc làm đã tập trung sửa đổi các nội dung lớn, trọng tâm như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp...

Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Việc làm (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Giới thiệu về Luật Việc làm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Luật được thiết kế lại theo hướng quy định rõ ràng, ngắn gọn, sát thực tiễn, tăng cường phân cấp, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thị trường lao động đa dạng, phức tạp và chuyển đổi liên tục. Luật áp dụng cho mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Luật Việc làm sửa đổi các quy định liên quan về khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia... Nội dung này nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cập nhật với tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng nghề của khu vực, thế giới.

Luật đã sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề, chi trả chi phí. Điều này góp phần thúc đẩy đưa lao động có tay nghề ra thị trường thu nhập cao, an toàn. Cùng với đó, Luật thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Luật Việc làm giao Chính phủ quy định về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công nhằm tiếp tục phát triển hệ thống thiết chế về dịch vụ việc làm trong khu vực công, đảm bảo cung cấp dịch vụ việc làm miễn phí cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Đáng chú ý, luật lần này đã cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó có cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp).

Theo đó, Luật Việc làm đã tập trung sửa đổi các nội dung lớn, trọng tâm như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa bằng 1% tiền lương tháng), đơn giản hóa điều kiện, giảm thủ tục hành chính cho người lao động và người sử dụng lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…

Luật Việc làm sửa đổi có thay đổi lớn về kỹ năng nghề

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi luật có hiệu lực thì có giảm tỷ lệ thất nghiệp, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có mức độ tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng miền, địa phương. Tỷ lệ thất nghiệp còn phụ thuộc quan hệ thương mại quốc tế, cơ cấu dân số, nhân khẩu học, chính sách kinh tế vi mô. Chính sách việc làm và lao động là một trong những yếu tố tác động đến tỷ lệ thất nghiệp.

Đối với Luật Việc làm, hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thị trường lao động trở thành một trong những cân đối vĩ mô, điều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết số 56/NQ-CP của Chính phủ.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thái

"Cách đây 10 năm khi đầu tư tại các địa phương thì không ai hỏi có thiếu lao động không, hiện nay khi nhà đầu tư đến thì ngoài vấn đề đất đai, thủ tục đầu tư, câu hỏi đầu tiên dành cho địa phương là có lao động hay không. Đây là một trong những yếu tố để nhà đầu tư có quyết định đầu tư" - Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chia sẻ.

Luật Việc làm cũng đã đưa được nội dung quan trọng về đăng ký lao động. Theo đó, tất cả lao động Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đều được đăng ký gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - đây là nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia. Căn cứ vào đó, sẽ hoàn thiện thông tin thị trường lao động. Từ đó, có thể nắm được trong 5 năm tới Việt Nam có bao nhiêu lao động tham gia, bao nhiêu lao động thất nghiệp. Hệ thống dữ liệu cũng sẽ giúp phân tích, dự báo thị trường lao động.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, Bộ được giao thử nghiệm vận hành sàn giao dịch việc làm quốc gia, dự kiến tháng 9 khai trương. Sàn sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp kết nối với người lao động. Các doanh nghiệp tư nhân có dữ liệu cũng có thể kết nối với sàn này để đồng bộ. Tuy nhiên, hiện kết nối mang tính thủ công, trực tuyến qua các phần mềm chứ chưa có hệ thống kết nối hiện đại như các nước.

Luật Việc làm sửa đổi có thay đổi lớn về kỹ năng nghề, mỗi người lao động dù tự đào tạo, thực hành nhưng qua sát hạch thì được công nhận kỹ năng nghề. Hiện nay có 1 triệu người lao động có thực hành rất tốt nhưng không được thừa nhận, không có chứng chỉ kỹ năng nghề. Việc mở rộng công nhận kỹ năng nghề sẽ thúc đẩy người dân tự học gắn với thực hành, khi có chứng chỉ thì có khả năng nâng cao mức lương, thu nhập....

Luật Việc làm (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-viec-lam-mo-rong-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep.766773.html