Tỉnh Hưng Yên mới: Vùng đất năng động ở khu vực đồng bằng sông Hồng và cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược

Ngày 1/7, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình chính thức 'về chung một nhà', với tên gọi mới là Hưng Yên. Việc sáp nhập này đánh dấu bước đi chiến lược và đột phá, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện của khu vực.

Việc sáp nhập hai địa phương mở ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của 2 vùng đất Thái Bình, Hưng Yên giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và anh hùng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Việc sáp nhập hai địa phương mở ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của 2 vùng đất Thái Bình, Hưng Yên giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và anh hùng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Quyết sách mang lại lợi ích lâu dài trên cả ba phương diện

Việc sáp nhập hai địa phương mở ra không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai vùng đất Thái Bình, Hưng Yên giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng.

Đây cũng là sự kết hợp giữa tiềm năng vùng sinh thái biển, kinh tế biển với lợi thế cận kề Thủ đô Hà Nội, nhằm xây dựng Hưng Yên trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ; phát triển công nghiệp hiện đại, kinh tế biển, năng lượng mới, đô thị văn minh; đồng thời thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Cùng với đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Hưng Yên - phố Hiến xưa, địa linh nhân kiệt và Thái Bình “quê lúa đất nghề” sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngoài mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, việc sáp nhập tỉnh còn tạo sức bật mới. Một thực thể hành chính mới có sức cạnh tranh tốt hơn, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn và tổ chức phát triển vùng hiệu quả hơn. Hợp nhất Thái Bình - Hưng Yên là quyết sách mang lại lợi ích lâu dài trên cả ba phương diện là kinh tế, hiệu quả quản trị và vị thế dẫn dắt vùng.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có diện tích tự nhiên trên 2.514 km² và dân số hơn 3,56 triệu người.

Sự kết hợp giữa thế mạnh công nghiệp và dịch vụ của Hưng Yên với tiềm năng kinh tế biển và nông nghiệp của Thái Bình sẽ tạo nên một nền kinh tế đa ngành, bền vững và linh hoạt.

Thái Bình có lợi thế về quỹ đất ven biển, thuận lợi cho việc phát triển các khu kinh tế và du lịch biển, trong khi Hưng Yên có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp và đô thị hiện đại. Việc hợp nhất cũng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, từ nhân lực đến tài nguyên thiên nhiên, đồng thời mở rộng không gian phát triển cho các dự án đô thị, công nghiệp và du lịch.

Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có điều kiện quy hoạch tổng thể bài bản hơn, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây chính là sự hợp nhất theo đúng nghĩa, mang lại giá trị và hiệu quả lâu dài.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có diện tích tự nhiên trên 2.514 km² và dân số hơn 3,56 triệu người. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có diện tích tự nhiên trên 2.514 km² và dân số hơn 3,56 triệu người. (Nguồn: TTXVN)

Sức hấp dẫn của Hưng Yên

Số liệu từ UBND tỉnh Hưng Yên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hưng Yên mới sau khi sáp nhập với Thái Bình đã thu hút thêm đến 205 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 5,9 tỷ USD. Trong đó, có 123 dự án trong nước với tổng vốn hơn 4,5 tỷ USD và 82 dự án FDI với mức đầu tư trên 1,4 tỷ USD.

Quy mô đầu tư không chỉ tăng về lượng mà còn có chất lượng cao với nhiều dự án lớn, có tính động lực và tầm nhìn dài hạn.

Nổi bật là dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf tại huyện Khoái Châu (cũ) với vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD và dự án Phân khu A - Khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5 có quy mô gần 1,3 tỷ USD. Những công trình không chỉ tạo cú hích về hạ tầng và đô thị hóa, mà còn tạo việc làm và nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.

Tính đến cuối tháng 6/2025, Hưng Yên hiện có 3.880 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 40,8 tỷ USD. Trong đó, các khu công nghiệp và khu kinh tế đang thu hút gần 1.100 dự án, với hơn 18,6 tỷ USD vốn đầu tư; ngoài khu công nghiệp có khoảng 2.800 dự án, tương ứng hơn 22,2 tỷ USD.

Những dự án quy mô này phản ánh sức hấp dẫn của địa phương sau khi thực hiện việc hợp nhất hành chính. Việc thu hút thành công hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn trong khi tái cơ cấu đơn vị hành chính là dấu ấn rõ ràng về năng lực điều hành linh hoạt và tầm nhìn phát triển chiến lược của lãnh đạo tỉnh.

Nhận định về tiềm năng của Hưng Yên mới, ông Đặng Văn Bấc, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Thái Bình cho biết, việc hợp nhất không chỉ là bài toán tổ chức hành chính, mà là cơ hội tái định vị vai trò trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thái Bình có lợi thế về không gian công nghiệp ven biển, quỹ đất sạch, còn Hưng Yên lại gần Hà Nội, mạnh về dịch vụ công nghệ cao.

"Khi gắn kết hai cực phát triển này trong một cấu trúc hành chính thống nhất, chúng ta sẽ có điều kiện để hoạch định chính sách dài hạn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hình thành các chuỗi giá trị liên kết từ biển vào nội địa", ông Đặng Văn Bấc nhấn mạnh.

Với tầm nhìn dài hạn, sự đồng thuận cao trong Đảng, chính quyền và nhân dân, việc hình thành tỉnh Hưng Yên mới sẽ là biểu tượng cho một vùng đất năng động, bền vững, có bản sắc và lan tỏa ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hung-yen-moi-vung-dat-nang-dong-o-khu-vuc-dong-bang-song-hong-va-co-hoi-cho-cac-nha-dau-tu-chien-luoc-320615.html