Xu hướng du lịch đã thay đổi

Mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2024 là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trải qua 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, giới chuyên gia du lịch cho rằng, xu hướng du lịch của người dân đã có những thay đổi…

Du lịch qua đường sắt khởi sắc

Khi giá vé máy bay ở nhiều chặng bay nội địa trở nên đắt đỏ, nhiều người đã chuyển sang di chuyển bằng tàu hỏa. Nắm bắt nhu cầu này, ngành đường sắt cũng có sự chuyển dịch ngoạn mục. Hiện, mỗi ngày, Ga Sài Gòn có 7 đoàn tàu xuất phát đi các ga Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại, phục vụ khoảng 6.000 hành khách đi và đến. Giá vé hợp lý, thay đổi chất lượng, dịch vụ. Đây chính là lý do vì sao các chuyến tàu trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng kín khách.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết: "Các toa xe có chất lượng rất tốt, hiện đại và các tiện ích cũng rất ổn. Thứ nữa thì ở các ga, Tổng công ty đã đầu tư trang bị hệ thống phòng đợi cũng rất khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ ở trên tàu, thái độ phục vụ của nhân viên cũng đã được cải thiện rất đáng kể".

Để đạt mục tiêu vận chuyển khoảng 6,1 triệu lượt hành khách trong năm nay, ngành đường sắt cũng đang trang bị thêm hệ thống bán vé tự động. Theo các chuyên gia, với đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm trở về sau là cơ hội cho ngành đường sắt chuyển mình trong điều kiện cải thiện dịch vụ, mức giá, đặc biệt là tập trung phát triển tàu lửa cao tốc, giải quyết bài toán di chuyển thời gian cho du khách.

Đổi mới về tư duy và thực hiện theo đúng phương châm "an toàn, thân thiện, thuận tiện, đúng giờ và hiệu quả" đã và đang giúp ngành đường sắt khôi phục lại vị trí, trở thành phương tiện đi lại được đông đảo người dân và du khách lựa chọn. Tuy nhiên, để tăng trưởng ổn định và bền vững thì ngành đường sắt cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong khi du lịch đường sắt khởi sắc, thì nhiều hãng hàng không mong hút khách nên đã tăng tần suất bay đêm. Tuy nhiên, giải pháp này không được du khách lựa chọn do ảnh hưởng đến sức khỏe, khó chọn các dịch vụ về đêm tại điểm đến... Một số chuyên gia lữ hành cho rằng, mặc dù tiết kiệm được một phần giá vé máy bay nhưng lại phát sinh thêm chi phí khác. Chưa kể, khách du lịch hè thường đi cùng gia đình, có trẻ em nên bố trí khởi hành vào ban đêm là điều tối kỵ vì ngược với giờ sinh hoạt của trẻ. Doanh nghiệp cũng không thể tổ chức tour đưa khách tới nơi rồi… đi ngủ.

Giải pháp các chuyến bay đêm là nỗ lực của ngành hàng không nhưng thực tế lại chưa được đón nhận vì kéo theo nhiều vấn đề khác trong tour của các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, để giải quyết khó khăn, cả du lịch và hàng không cần bàn thảo và sớm đưa ra những giải pháp phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đi tour.

Du khách quốc tế đến Hà Nội tăng hơn cùng kỳ

Du khách quốc tế đến Hà Nội tăng hơn cùng kỳ

Làm gì khi xu hướng du lịch đã đổi thay?

Quan sát xu hướng du lịch trong thời gian qua, có thể nhận thấy du khách đã có những thay đổi khi lựa chọn các sản phẩm du lịch. Nhiều du khách mong muốn điểm đến không chỉ để chụp hình lưu niệm, ghé qua hay nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn có những trải nghiệm về đời sống, lịch sử, văn hóa, ẩm thực… Trong đó có các xu hướng du lịch được ưa chuộng như “trốn nóng”, “chữa lành”, khám phá ẩm thực, tích hợp nhiều trải nghiệm trong một kỳ nghỉ.

Ở thời điểm này, nhiều địa phương có thế mạnh du lịch biển đang “mở rộng” đón khách du lịch trong và ngoài nước. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng hợp tác với Traveloka công bố chương trình kích cầu du lịch “Enjoy Da Nang 2024” trên nền tảng ứng dụng của Traveloka. Đây là sáng kiến nhằm thu hút nhiều du khách hơn đến Đà Nẵng thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và các ưu đãi có giá trị, dựa trên hệ sinh thái đối tác rộng lớn và tin cậy của Traveloka.

Tham gia chương trình “Enjoy Da Nang 2024” với vai trò đối tác chiến lược của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho thấy, sự hợp tác thực sự đi vào thực chất, đem lại lợi ích cho cả hai bên thông qua việc hỗ trợ lẫn nhau, kích cầu du lịch tại thành phố.

Hay như tỉnh Khánh Hòa gần đây đã có nhiều chương trình thu hút du khách qua ẩm thực. Một khảo sát cho thấy, có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% thu nhập cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Và tỉnh Khánh Hòa bước đầu đã thành công khi xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với hoạt động ẩm thực địa phương để thu hút du khách. Vì vậy các lễ hội, các hoạt động du lịch tổ chức đã thu hút được lượng lớn du khách trong nước quốc tế đến địa phương.

Chia sẻ về giải pháp thu hút du khách trong mùa du lịch hè, đại diện Sở Du lịch Kiên Giang - một trong những địa phương trọng điểm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, thông tin: Du lịch Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" do Bộ VHTTDL phát động, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, khu nghỉ dưỡng tích cực đổi mới sản phẩm, thông tin rộng rãi về các "gói" sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, gia tăng trải nghiệm của du khách tại các điểm đến nổi bật như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương. Du lịch Kiên Giang phấn đấu trong năm 2024 đón 9,2 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Ngay tại Hà Nội, ngành du lịch cũng phấn đấu tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Thời gian qua, để tăng sức hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến với Thủ đô, ngành Du lịch Hà Nội đã khai trương tuyến du lịch với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, khai trương điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, huyện Ba Vì. Sở Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu... Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội đủ để đáp ứng trước nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao. Toàn thành phố có 4.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao, với tổng số 26.641 phòng…

Thanh Xuân

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xu-huong-du-lich-da-thay-doi-153085.html