Xu hướng giao dịch đồng nhân dân tệ tăng nhanh?
Các nhà phân tích dự báo giao dịch quốc tế thông qua đồng nhân dân tệ có chiều hướng tăng trước những lo ngại về tỷ giá giữa những biến động địa chính trị.
Các nhà phân tích dự đoán rằng việc giao dịch quốc tế thông qua đồng nhân dân tệ sẽ là xu hướng trong tương lai. Điều này là do các công ty muốn giảm rủi ro về tỷ giá thay đổi giữa những biến động địa chính trị phức tạp.
Dữ liệu từ công ty bảo hiểm quốc tế Allianz Trade cho thấy trong khoảng từ đầu năm 2022 tới tháng 8/2022, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ đã tăng từ dưới 20% lên gần 30%. Trong khi đó, hơn 40% giao dịch toàn cầu được thực hiện bằng USD.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do những lo ngại về bất ổn địa chính trị trong thời gian gần đây và hoạt động xuất khẩu tăng cao của Trung Quốc. Allianz Trade cũng cho rằng xu hướng quốc tế hóa của nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng.
Những yếu tố thúc đẩy giao dịch bằng nhân dân tệ
Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Greater China tại Australia và New Zealand, cho rằng các công ty tăng cường sử dụng nhân dân tệ trong thương mại do nhiều lý do khác nhau, một trong số đó là dự đoán của họ về tỷ giá hối đoái trong tương lai.
Ông Yeung nói thêm, các công ty sẽ đưa ra quyết định dựa trên các biện pháp phòng ngừa rủi ro của họ. Loại tiền tệ mà họ sử dụng ảnh hưởng đến chi phí tổng thể, và vì vậy gắn liền với tỷ giá hối đoái và lãi suất.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường tỉ lệ giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ trên toàn cầu. Việc quốc tế hóa nhân dân tệ trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Mỹ đe dọa cô lập tài chính Trung Quốc và diễn biến giữa Phương Tây và Nga gần đây.
Kelvin Lau, nhà kinh tế học tại Standard Chartered, cho rằng sự gia tăng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ là do nhu cầu đa dạng hóa các đồng tiền quốc tế. Điều này xuất phát từ tình hình địa chính trị ở Ukraine, cũng như căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng xung quanh các vấn đề công nghệ và mối quan hệ với Đài Loan.
Michael Pettis, thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace giải thích, tỉ lệ giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng lên khi các nhà đầu tư kỳ vọng đồng tiền này tăng giá. Ngược lại, tỉ lệ giao dịch có xu hướng giảm nếu các nhà đầu tư nhận định đồng tiền sẽ trượt giá.
Tuy nhiên, ông Pettis cũng cho rằng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc có thể là lý do đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn. Ông cũng cho rằng khi lý do các nhà đầu tư chuyển sang giao dịch bằng nhân dân tệ là vì họ không thể mua trực tiếp loại tiền này.
Ông Lau giải thích rằng trong hai năm 2020 và 2021, đồng nhân dân tệ chủ yếu có xu hướng tăng giá và lấy lại đà quốc tế hóa, đặc biệt là khi tỷ lệ nắm giữ tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên.
Ông Yeung nói thêm rằng hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc kể từ năm 2020 là một yếu tố khác góp phần vào việc sử dụng nhiều nhân dân tệ hơn trong giao dịch thương mại. Trung Quốc được nhận định là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng ngành điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính, và là nơi cung cấp nhiều sản phẩm liên quan tới COVID-19 trong hai năm vừa rồi.
Trung Quốc đã kết thúc năm 2020 với hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, khi nước này xuất khẩu 40 chiếc khẩu trang cho mỗi người trên khắp thế giới. Quốc gia này cũng có một hoạt động thương mại mạnh mẽ vào năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu trung bình 40 chiếc khẩu trang cho mỗi người trên thế giới. Hoạt động thương mại của Trung Quốc trong năm 2021 cũng mạnh mẽ.
Xu hướng quốc tế hóa của nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng
Các số liệu mới nhất từ hệ thống tài chính Swift cho thấy trong tháng 9, các khoản giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ chiếm tới 28% tổng các giao dịch. Con số này là 25% cùng kì năm ngoái.
Stephen Olson, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để thúc đẩy giao dịch quốc tế bằng đồng nhân dân tệ trong thời gian sắp tới. Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan niệm những khu vực phụ thuộc vào Mỹ đều có rủi ro.
Yao Li, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng xu hướng tách bạch giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn đến sự xuất hiện của nhiều khối thương mại hơn, những khối này sẽ sử dụng tiền tệ và phương thức thanh toán của riêng họ.
“Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy tỷ lệ giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tăng hơn nữa”, bà Yao Li nói thêm, chỉ ra đồng nhân dân tệ và SGD có khả năng được sử dụng nhiều hơn thông qua các giao dịch quốc tế trong tương lai giữa các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngoài các mối quan hệ thương mại trong khu vực, Yeung cho biết một số công ty Trung Quốc sẽ đi qua Hong Kong để thực hiện các giao dịch thương mại, điều này giúp họ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn loại tiền tệ mà họ muốn sử dụng.
Theo Ludovic Subran, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Allianz, các tổ chức tài chính tại Trung Quốc sẽ có xu hướng chuyển các giao dịch qua ngân hàng và tổ chức tài chính tại Hong Kong để tránh các rủi ro khi làm việc với các ngân hàng phương Tây.
Dữ liệu từ Swift cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay, các khoản giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ ở Hong Kong chiếm 72%, vẫn duy trì giữ ở mức hơn 70% như những năm gần đây.
Ông Yeung nhận định, về lâu dài, xu hướng giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng nếu Hong Kong vẫn giữ được vai trò trung tâm tài chính của mình.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/xu-huong-giao-dich-dong-nhan-dan-te-tang-nhanh-ar711054.html