Xu hướng nội thất - xây dựng Việt 2025: Người dùng ngày càng tinh tế, nhiều kỳ vọng

Thị trường nội thất - xây dựng nội địa đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ khi người tiêu dùng ngày càng kỹ tính, có gu và nhiều kỳ vọng hơn. Để theo kịp, doanh nghiệp Việt buộc phải linh hoạt về chiến lược phát triển từ sản phẩm đến cách thức tiếp cận.

Xu hướng 2025: Người tiêu dùng ngày càng tinh tế, hiểu rõ nhu cầu

Không còn dễ bị thu hút bởi mẫu mã trưng bày hay quảng cáo, nhiều người tiêu dùng hiện đại lựa chọn nội thất kỹ lưỡng hơn, ưu tiên phản ánh bản sắc cá nhân. Họ tham khảo xu hướng thiết kế quốc tế, người có ảnh hưởng, thậm chí thay đổi nội thất theo mùa như thời trang để tránh lỗi thời.

Tiêu dùng bền vững cũng lên ngôi với sự ưa chuộng các vật liệu thân thiện môi trường như gỗ rõ xuất xứ, tre, mây, vải hữu cơ, kim loại tái chế… Nhiều vật liệu mới còn được tích hợp công nghệ nhằm tăng hiệu năng sử dụng. Theo Metrix Lab (2024), 72% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm xanh. “Người tiêu dùng và chủ đầu tư ngày càng ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, quy trình hạn chế phát thải và thiết kế bền vững,” ông Trần Xuân Tùng, Giám đốc Kian Contract Vietnam, cho biết.

Nhóm người trẻ từ 22–35 tuổi cũng đang tái định nghĩa tiêu chuẩn tiêu dùng, ưa chuộng tính đa năng, độ bền, giá thành hợp lý. Các sản phẩm nội thất DIY (tự lắp ráp) linh hoạt kích thước, đa dạng mã màu lên ngôi. Nguyễn Minh Ngọc (25 tuổi) chia sẻ: “Nội thất tự lắp ráp giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển và giá thành so với sản phẩm hoàn thiện.”

Song song đó, xu hướng tìm hiểu nhà thông minh và hệ sinh thái IoT thúc đẩy ngành nội thất – xây dựng đổi mới. Các sản phẩm tích hợp như sàn cảm biến, kính đổi màu, rèm điều chỉnh ánh sáng… buộc doanh nghiệp phải kết hợp hiểu biết về công nghệ, vật liệu và trải nghiệm người dùng.

Doanh nghiệp nội địa chuyển đổi để đón đầu xu thế

Trước yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng lẻ và nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhiều đơn vị trong nước đang chuyển sang mô hình ODM, chủ động thiết kế và phát triển sản phẩm không thua kém hàng ngoại. Trần Xuân Tùng, Giám đốc Kian Contract Vietnam, cho biết doanh nghiệp đang liên tục ra mắt các bộ sưu tập ngoại thất chuyên biệt cho khách sạn, resort và nhà hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa. “Sản phẩm của chúng tôi liên tục nâng cấp độ bền, thẩm mỹ riêng và thích ứng với từng môi trường cụ thể,” ông nói.

Sản phẩm bên trong showroom của Kian Contract Vietnam

Sản phẩm bên trong showroom của Kian Contract Vietnam

Không chỉ dừng ở thiết kế, nhiều thương hiệu Việt như D'FURNI còn đầu tư mạnh vào nghiên cứu và kiểm định chất lượng.

Ông Trịnh Minh Huy, giám đốc Marketing của D'FURNI cho biết. “Doanh nghiệp đã thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu hướng, hỗ trợ tư vấn cho khách dự án và phát triển giải pháp nội thất chất lượng quốc tế cho người tiêu dùng. Ngoài ra, D'FURNI còn xây dựng phòng lab kiểm định nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các khách hàng FDI. Đối với những dự án gấp, chúng tôi mời khách đến trực tiếp nhà máy để kiểm định chất lượng. “

Phòng lab chuyên dụng để kiểm tra chất lượng sản phẩm của D’FURNI

Phòng lab chuyên dụng để kiểm tra chất lượng sản phẩm của D’FURNI

Thương hiệu này cũng đang đa dạng hóa phân khúc, đưa các mặt hàng vốn chuyên xuất khẩu về nội địa với chi phí hợp lý hơn, như dòng sản phẩm ghế văn phòng Gather, vốn chỉ cung ứng cho sàn TMĐT Amazon ở Mỹ.

Đẩy mạnh giao thương nội địa tại sân chơi “có gout

Trước áp lực chi phí quảng cáo số tăng cao, nhiều doanh nghiệp nội thất – xây dựng Việt đang chuyển hướng đầu tư vào các mô hình giao thương trực tiếp, để quảng bá trải nghiệm thực tế với khách hàng.

Nổi bật là triển lãm Nội thất & Xây dựng Việt Nam - Vibe, áp dụng mô hình B2D2C (Business to Designer to Consumer), được xem như “sàn diễn phong cách” của ba tiêu chí tiêu dùng toàn cầu: thông minh, thẩm mỹ và bền vững (smart, style, sustainability). Nhờ đó, doanh nghiệp tiếp cận đồng thời người tiêu dùng có gu, kiến trúc sư, nhà thiết kế và nhà thầu.

Năm 2025, Vibe sẽ trở lại từ ngày 01 – 04/10 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn – SECC với quy mô gấp đôi, hơn 700 gian hàng và kỳ vọng thu hút 15.000 lượt khách. Đây là dịp để doanh nghiệp khảo sát thị trường, thử nghiệm sản phẩm và lắng nghe phản hồi trực tiếp từ người dùng. Với sự đồng tổ chức của hai hiệp hội đầu ngành trong lĩnh vực nội thất và vật liệu xây dựng HAWA và SACA, triển lãm còn có sự đồng hành của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Tp.HCM, Hiệp Hội Nội thất Việt Nam cùng với CLB kiến trúc sư các tỉnh thành trong cả nước, Vibe khẳng định vị thế một sân chơi chuyên nghiệp và đẳng cấp của ngành Kiến trúc, Nội thất và Xây dựng Việt Nam thông qua các hoạt động triển lãm, sự kiện chuyên ngành và kết nối giao thương B2D2C.

Theo ban tổ chức, bên cạnh 80% doanh nghiệp năm 2024 đã tái đăng ký tham gia, Vibe 2025 còn chào đón sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu lớn trong ngành như: Nhà Xinh, Lixil, Danpal, Cotto, Green DS... Vibe 2024 từng tiếp cận hơn 11 triệu lượt người, mang lại doanh thu hơn 28 tỷ đồng cho các đơn vị tham gia – minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kết nối thị trường, mở rộng khách hàng và định vị thương hiệu.

Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại: https://thevibexpo.com

N.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xu-huong-noi-that---xay-dung-viet-2025-nguoi-dung-ngay-cang-tinh-te-nhieu-ky-vong-d283529.html