Xu hướng thực hành và đào tạo nhiếp ảnh đương đại
Những thông tin bổ ích, những cơ hội mới trong lĩnh vực nhiếp ảnh vừa được cập nhật một cách sinh động tại tọa đàm chuyên đề 'Xu hướng hoạt động và vận hành của nhiếp ảnh thế giới hiện nay'. Đây là sự kiện khởi động và hướng tới Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (Biennale Photo Hanoi'25), một chương trình văn hóa-nghệ thuật quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội.

Nghệ sĩ thị giác Thế Sơn chia sẻ tại tọa đàm.
Tọa đàm do Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút đông đảo nghệ sĩ, sinh viên và công chúng quan tâm trong bối cảnh nhiếp ảnh nghệ thuật là ngành học còn khá mới mẻ song giàu tiềm năng ứng dụng.
Nếu chỉ hiểu nhiếp ảnh theo cách phổ biến là tạo ra “hình ảnh” từ các thiết bị có khả năng ghi hình, dù tồn tại dạng kỹ thuật số hay in ra thành dạng vật lý, thì đều chưa đầy đủ và định kiến sẽ trở thành rào cản giới hạn các sáng tạo trong nhiếp ảnh.
Để làm rõ việc nhiếp ảnh đang được tái định nghĩa trên khắp thế giới, nghệ sĩ trẻ Mai Nguyên Anh (sinh năm 1992) đã giới thiệu với các khán giả một số dự án nhiếp ảnh quốc tế đáng chú ý với ý tưởng và cách thể hiện độc đáo. Chẳng hạn như tác phẩm nhiếp ảnh được cắt dán từ các bức ảnh riêng lẻ của nghệ sĩ người Nhật Bản hay bộ ảnh tập hợp có chủ đích từ kho ảnh chụp tự động của Google street view do nghệ sĩ Mỹ thực hiện trong nhiều năm.
Một dự án gây tiếng vang khác là khi nhóm nghệ sĩ Pháp và Trung Quốc sưu tập phim âm bản từ nhiều bãi rác ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để phân loại và xuất bản thành những tập sách ảnh phong cảnh, đời thường có giá trị tư liệu và nghệ thuật cao.

Mai Nguyên Anh là gương mặt trẻ hoạt động tích cực trong cộng đồng nhiếp ảnh đương đại tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, thực hành nhiếp ảnh ngoài phạm vi máy ảnh cũng đã xuất hiện một số tên tuổi như Lê Quang Đỉnh với kỹ thuật dệt ảnh đa lớp (in chồng ảnh), Nguyễn Thế Sơn với nhiếp ảnh phù điêu (kết hợp điêu khắc)…
Chia sẻ thêm về xu hướng này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định, muốn có tác phẩm chất lượng thì tác giả không chỉ cần kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh mà còn phải nắm vững những nguyên lý cơ bản của mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh người Việt hoặc gốc Việt thành danh và có tác phẩm vươn tầm quốc tế đều có nền tảng hội họa, thực hành nghệ thuật liên ngành, như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatsushiba, Tiffany Chung…
Thời gian gần đây, nhiếp ảnh đã được nhìn nhận như một bộ môn nghệ thuật thị giác. Đào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh không chỉ “đính kèm” đào tạo điện ảnh hay báo chí nữa, mà đã hình thành độc lập trong hệ thống giáo dục chính quy như tại Đại học Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự phát triển của nhiếp ảnh cũng dẫn tới xuất hiện những nghề nghiệp liên quan như nhiếp ảnh gia, giám tuyển, thiết kế triển lãm.

AI được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong mọi loại hình nghệ thuật, bao gồm nhiếp ảnh.
Bên cạnh đó, yếu tố không thể không nhắc đến trong mọi lĩnh vực xã hội cũng như nghệ thuật hiện nay là sự phát triển và tác động của công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR)… Ảnh do các công cụ AI tạo ra hoặc chỉnh sửa ngày càng hoàn hảo và trở thành một phần tất yếu trong nhiếp ảnh. Ảnh AI đã được chấp nhận tại một số quốc gia, thậm chí xuất hiện cuộc thi và triển lãm dành riêng cho loại hình này.
Một xu hướng khác là nhiếp ảnh dàn dựng, sắp đặt để biểu đạt tư tưởng của tác giả, phản ánh thời đại và truyền tải những thông điệp mạnh mẽ tới công chúng. Ở các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… đã có những nghệ sĩ khá thành công với thể loại này.
Bàn đến vấn đề kiểm duyệt tác phẩm nhiếp ảnh trước khi xuất bản hoặc triển lãm, nhiếp ảnh gia Nguyên Anh cho rằng, sẽ có nhiều người bất ngờ khi biết hệ thống kiểm duyệt nghệ thuật của một số đất nước phát triển rất chặt chẽ. Kiểm duyệt là cần thiết và nghệ sĩ có thể lựa chọn: tác phẩm muốn ra mắt trước số đông phải “đóng khung” theo quy định, ngược lại tác phẩm mang tính cá nhân cao sẽ tiếp cận được ít người xem hơn. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để nghệ sĩ đào sâu tìm tòi, kiến tạo ngôn ngữ nhiếp ảnh mới lạ hoặc phát huy tính nguồn cội, bản địa riêng biệt của mình.
Nhiếp ảnh tại Việt Nam có bề dày lịch sử và những đóng góp to lớn nhưng chủ yếu là ảnh tư liệu, báo chí, truyền thông. Bước sang kỷ nguyên mới, nhiếp ảnh cần được nâng cao hơn nữa giá trị nghệ thuật và thương mại. Bình đẳng với những thực hành nghệ thuật khác, nhiếp ảnh cũng có khán giả, tức là người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Một lần nữa, trăn trở lâu nay của cộng đồng nghệ sĩ và người yêu nhiếp ảnh được nhắc lại tại tọa đàm, đó là kỳ vọng sớm có một thiết chế bảo tàng chuyên nghiệp dành cho nhiếp ảnh, không chỉ lưu giữ mà còn tổ chức được các sự kiện chuyên đề, triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh đương đại, giới thiệu tác giả đến công chúng.
Hiện nay, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá hay Trung tâm lưu trữ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đều chưa đạt như kỳ vọng. Tuy vậy, tín hiệu đáng mừng là những hoạt động mang tính sáng tạo, kết nối, đưa nhiếp ảnh hội nhập đang diễn ra ngày càng nhiều hơn. Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Hà Nội là một không gian như vậy.
Được tổ chức lần đầu tiên năm 2023, Photo Hanoi'23 do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đã quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, chuyên gia nổi tiếng Việt Nam và thế giới, mang đến hơn 40 triển lãm nhiếp ảnh tại hàng chục không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, thu hút khoảng 170 nghìn lượt khách tham quan trực tiếp và hàng triệu lượt tiếp cận trên các nền tảng số…
Để chuẩn bị cho Photo Hanoi’25 vào tháng 11 năm nay, dự kiến trong thời gian tới sẽ còn có chuỗi các sự kiện sáng tác, nghiên cứu, thảo luận phong phú và thiết thực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xu-huong-thuc-hanh-va-dao-tao-nhiep-anh-duong-dai-post876216.html