Xu hướng trái chiều bao trùm TTCK thế giới trong tuần qua
Các thị trường lớn của châu Âu đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/5 trong sắc xanh, trong khi chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm điểm sau khi tăng vào lúc mở cửa.
Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới biến động trái chiều trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua trong bối cảnh các nhà giao dịch cân nhắc một loạt vấn đề, bao gồm hy vọng về giải pháp cho vấn đề trần nợ công của Mỹ, các tính toán về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, tình hình bất ổn lĩnh vực ngân hàng và nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.
Các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngưng chiến dịch tăng lãi suất kéo dài sau khi số liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng và bán buôn tại Mỹ đều tiếp tục giảm trong tháng 4/2023.
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 4/2023 của Mỹ đã tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với mức tăng 5% trong tháng 3/2023.
Hy vọng này càng được thúc đẩy trong phiên 12/5 khi báo cáo cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần trước đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu chững lại.
Fed từ lâu đã nói rằng cần chứng kiến việc làm sụt giảm hơn nữa, cũng như lạm phát giảm trước khi có thể xem xét chấm dứt nỗ lực tăng lãi suất và xem xét khả năng cắt giảm chi phí đi vay.
Chuyên gia Taylor Nugent thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho hay số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy thị trường lao động đang yếu đi và sự lạc quan về triển vọng lạm phát.
Các thị trường lớn của châu Âu đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/5 trong sắc xanh, trong khi chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm điểm sau khi tăng vào lúc mở cửa.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 33.300,62 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 4.124,08 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 12.284,74 điểm.
Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,3% lên 7.754,62 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,5% lên 15.913,82 điểm. Còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,5% lên 7.414,85 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên 4.317,88 điểm.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết tình trạng ảm đạm trên thị trường chứng khoán Mỹ xảy ra sau cảnh báo rằng chính phủ nước này có thể vỡ nợ vào ngày 15/6 nếu các nhà lập pháp không đạt được sự nhất trí về một thỏa thuận nâng giới hạn chi tiêu của chính phủ hiện nay.
Tình trạng vỡ nợ là khi chính phủ hết tiền để thanh toán các nghĩa vụ tài chính hiện có và điều này tạo áp lực lên các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong việc tìm được tiếng nói chung về việc nâng trần chi tiêu của Mỹ.
Tuy vậy, các cuộc đàm phán về trần nợ được mong đợi giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã bị hoãn lại cho đến tuần sau, trong đó nhiều nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận ở cấp nhân viên đang tiến triển.
Bất chấp sự bất ổn xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ, đồng USD đã tăng cao hơn so với đồng euro và các loại tiền tệ chính khác.
Trang thanh toán tiền tệ Convera cho hay đồng USD đóng vai trò là “nơi trú ẩn an toàn” trước những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và sự biến động ở Phố Wall.
Bên cạnh đó, sức mạnh của USD phần nào phản ánh các tuyên bố của các ngân hàng trung ương hàng đầu khác mà ám chỉ việc tạm dừng tăng lãi suất.
Ngoài ra, các ngân hàng khu vực tại nước này tiếp tục gặp áp lực và khó khăn trong việc trấn an giới đầu tư về lĩnh vực ngân hàng.
Cổ phiếu của ngân hàng khu vực PacWest đã giảm mạnh 22,7% trong phiên 11/5, sau khi cho biết lượng tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm khoảng 9,5% trong tuần trước và giảm 16,9% trong quý I/2023.
Theo PacWest, thông tin PacWest đang cân nhắc các phương án chiến lược đã khiến các khách hàng lo ngại về sự an toàn đối với tiền gửi của họ.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng khu vưc khác cũng giảm như KeyCorp, Zions Bancorporation và Western Alliance Bancorporation.
Chuyên gia Hugh Johnson của công ty nghiên cứu thị trường chứng khoán Hugh Johnson Economics nhận định sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực là lo những lo ngại về các ngân hàng này, trong bối cảnh điều kiện tín dụng thắt chặt, lượng tiền gửi giảm và khối lượng cho vay cũng đi xuống.
Bước đi tiếp theo của Fed cũng là một vấn đề thu hút nhiều chú ý của giới đầu tư, khi những chỉ báo kinh tế hạ nhiệt có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ cân nhắc việc dừng tăng lãi suất./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-trai-chieu-bao-trum-ttck-the-gioi-trong-tuan-qua/291075.html