Xứ Kim chi đón Tết Trung thu trong cơn 'bão giá'
Chính phủ Hàn Quốc đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhân dịp ngày Tết Trung thu - một trong hai ngày Tết lớn nhất và quan trọng nhất hàng năm tại quốc gia châu Á nối tiếng với món ăn truyền thống Kim chi này.
Hàng loạt biện pháp bình ổn giá
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch cấp 170.000 tấn thực phẩm thiết yếu, đồng thời hỗ trợ 40.000 tỷ won (trị giá hơn 30 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm ổn định lạm phát dịp lễ Tết Trung thu (Tết Chuseok theo cách gọi bằng tiếng Hàn Quốc). Quyết định nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, được đưa ra trong cuộc họp diễn ra ngày 25-8 vừa qua giữa các quan chức cấp cao Chính phủ Hàn Quốc và đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền.
Người dân Hàn Quốc chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok năm nay trong bối cảnh lạm phát là một trong những nỗi lo lớn nhất của các gia đình, nhất là các gia đình thu nhập thấp. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá thực phẩm và đồ uống không cồn tại nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong chỉ số giá lương thực kể từ tháng 2-2021 tới nay. Chỉ số giá nông sản và chăn nuôi trong cùng thời kỳ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong gần 7 tháng qua.
Trong khi đó, các loạt thực phẩm thiết yếu và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng liên quan đến Tết Trung thu tại Hàn Quốc và là dữ liệu cốt lõi để đo giá cả sinh hoạt vào dịp Tết Chuseok. Tính theo mặt hàng, giá thực phẩm chế biến như dầu ăn tăng 3,7%, thực phẩm tươi sống như rau quả tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại thực phẩm gia dụng thông thường như mì tăng 32,9%, mì gói tăng 9,4%, bánh mì tăng 12,6%, giăm bông xúc xích tăng 8% và các sản phẩm thịt chế biến tăng 20,3%. Đây là mức tăng rất cao khi mà người dân Hàn Quốc đang tất bật chuẩn bị để đón ngày Tết lớn và quan trọng bậc nhất trong năm - Tết Chuseok.
Đáng chú ý, giá 2 loạt rau xanh chính để làm ra món ăn truyền thống Kim chi nổi tiếng là cải thảo và củ cải đã tăng giá lần lượt tới 72,7% và 53%; còn thịt bò nhập khẩu cũng tăng 24,7%, thịt lợn tăng 9,9% và thịt gà tăng 19,0%. Đây là nhóm các mặt hàng có nhu cầu lớn trên thị trường trước và trong kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu và đều đã có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính vì thế, Chính phủ Hàn Quốc PPP đã phải cùng họp bàn và đi tới thống nhất về các biện pháp nhằm bình ổn giá thực phẩm thiết yếu nhân dịp Tết Trung thu năm nay. Bởi nhu cầu thực phẩm ở Hàn Quốc thường tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Trung thu khi các gia đình tổ chức các bữa ăn ngày Tết trong các buổi sum họp người thân. Mục tiêu của Chính phủ Hàn Quốc là hạ giá các mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Chuseok năm nay xuống bằng ngưỡng giá năm 2021. Cùng với đó, để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ cấp phép tạm thời cho xe tải lưu thông tại khu vực trung tâm thành phố và bổ sung thêm nhân lực giao hàng trong đợt Tết Trung thu.
Tết đoàn viên, sum vầy
Cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, Hàn Quốc là một trong số đất nước có nhiều truyền thống văn hóa được bảo tồn và lưu lại cho đến ngày nay qua các ngày lễ tết, lễ hội. Trong đó có ngày Tết Chuseok - Tết Trung thu, có nghĩa là đêm giữa mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 Âm lịch.
Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” nhằm để nói rằng, vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải “đồ mồ hôi, sôi nước mắt” nữa. Tết Trung thu là thời điểm mà nhà nhà đều vào vụ thu hoạch. Lương thực và hoa quả đầy nhà, sung túc. Trong khi đó, sau Trung thu, Hàn Quốc bắt đầu bước vào mùa đông lạnh giá và điều kiện khắc nghiệt, lương thực chỉ còn là những gì đã chuẩn bị được từ mùa thu. Điều kiện khí hậu là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người Hàn Quốc. Do đó, trong xã hội Hàn Quốc, ngày Tết Trung thu, khi điều kiện thời tiết còn thuận lợi, người dân ai ai cũng trở về quê hương sum họp với đại gia đình, trong khi ngày Tết Nguyên đán thì người Hàn Quốc có thể về quê hoặc không nhất thiết phải về quê.
Là một ngày Tết quan trọng bậc nhất trong năm (cùng với Tết Nguyên đán), người dân Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16-8 Âm lịch). Trong ngày đầu tiên nghỉ Tết Trung thu ở Hàn Quốc, hàng triệu người từ Thủ đô Seoul đổ về các miền quê tạo ra nạn tắc đường khủng khiếp với thường là thời gian di chuyển gấp 3-4 lần so với ngày thường và người Hàn Quốc gọi hiện tượng này là cuộc “đại di dân” mỗi dịp Tết Chuseok. Nếu đến du lịch Hàn Quốc vào dịp này, du khách sẽ thấy các cửa hàng, siêu thị trên các tuyến phố đều đóng cửa. Mọi nẻo đường, các dòng xe từ thành phố lớn đổ về các miền quê tạo nên không khí náo nức, đặc trưng của ngày tết Trung thu Hàn Quốc.
Cũng giống như một số quốc gia Á Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, ngày Tết Chuseok ở Hàn Quốc cũng diễn ra vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, mỗi quốc gia dựa trên những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa khác biệt để thay vào đó những phong tục tập quán mang bản sắc riêng, thể hiện nét văn hóa và đời sống tinh thần của riêng mình.
Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của ngày Tết Chuseok, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm. Nếu như vào ngày Tết Nguyên đán, món ăn điển hình là Tteok-guk (canh bánh gạo) thì vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo được dùng để cúng bái là Mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch). Sau khi cúng lễ, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để “hưởng lộc” của tổ tiên ban cho. Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là việc thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên, gọi là nghi thức Beolcho và Seongmyo. Các hoạt động này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.
Vào ngày Tết Chuseok, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Vào dịp Tết Chuseok, người Hàn Quốc rất thích quây quần ăn uống cùng gia đình hay tiếp đãi bạn bè trong ngày Tết còn mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xu-kim-chi-don-tet-trung-thu-trong-con-bao-gia-post587439.antd