Xử lý có tính hướng thiện nhưng cũng phải bảo vệ nạn nhân chưa thành niên
Sáng 21/6, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội quan tâm tới biện pháp xử lý chuyển hướng; xây dựng trạm giam giữ riêng dành cho người chưa thành niên...
Làm rõ tính khả thi khi thực hiện cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị cân nhắc kỹ tính khả thi của 3 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại điều 36 dự thảo Luật. Theo đại biểu, các biện pháp "Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới", "Hạn chế khung giờ đi lại" và "Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới" nghe thì rất hợp lý nhưng để đi vào thực hiện hiệu quả vô cùng khó khăn bởi chúng ta không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc người chưa thành niên gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào. Trong khi các biện pháp này thời gian áp dụng ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) cho biết, dự thảo Luật bổ sung thêm 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà; đồng thời thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.
"Việc đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội như trong dự thảo Luật là phù hợp vì như vậy sẽ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên" - đại biểu Mỹ Dung nêu.
Đồng tình với giải pháp ngăn chặn giám sát điện tử được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng đây là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ. Việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà sẽ bảo đảm các em không bị tách khỏi ra gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện; đồng thời, góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, cần có đánh giá, làm rõ hơn tính khả thi, nguồn lực (nhân lực, kinh phí trang bị,...) thực hiện các biện pháp: Cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại; quản thúc tại gia đình, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội. Vì các cơ quan không thể cử người giám sát thi hành hoặc trong trường hợp gia đình không phối hợp hoặc không có khả năng phối hợp, mà phải là lắp đặt các thiết bị giám sát để theo dõi trong suốt thời gian thực hiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Nạn nhân chưa thành niên cũng cần được bảo vệ
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng tại Điều 53 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định chỉ Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi đây là những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; Tòa án cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, với lỗi vô ý hay cố ý, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng để có căn cứ xác định có thuộc trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng hay không.
Đại biểu cho rằng dường như chúng ta mới chỉ xem xét vấn đề này trên phương diện bảo vệ người phạm tội là người chưa thành niên mà quên mất một đối tượng rất cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc đó là người bị hại. Vì vậy, nếu quy trình tố tụng mới chỉ đi tới Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã được các cơ quan ra quyết định chuyển hướng xử lý bằng các biện pháp nhẹ nhàng hơn rất nhiều thì liệu có thực sự bảo đảm công bằng, tâm phục khẩu phục?
Cùng mối quan tâm tới quyền lợi của người bị hại chưa thành niên, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) bày tỏ: bên cạnh việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân - nhất là nạn nhân là người chưa thành niên.
"Quan điểm chỉ đạo này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân là người chưa thành niên, với lợi ích chung của toàn xã hội" - đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu.
Đối với các biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật quy định biện pháp chuyển hướng "Xin lỗi" hoặc "Đưa vào trường giáo dưỡng". Trường hợp này, nếu người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng bằng biện pháp "xin lỗi" là xong thì sẽ bất công với người bị hại, không bảo đảm tính giáo dục cho người phạm tội.
Trại giam riêng dành cho người chưa thành niên là phù hợp
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (điều 156) bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người lớn.
Việc triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho người chưa thành niên lớn hơn. Về lâu dài sẽ tiết kiệm kinh phí hơn so với việc tất cả các trại giam trên toàn quốc đều phải đầu tư khu giam giữ riêng người chưa thành niên, trong khi số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, trình độ học vấn khác nhau sẽ khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, khó đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của người chưa thành niên. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thời điểm hiệu lực thi hành đối với nội dung này muộn hơn (có thể 3 năm sau khi Quốc hội thông qua) để chuẩn bị các điều kiện về đất đai, xây dựng trại, bố trí cơ sở vật chất của trại giam.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đánh giá cao sự chuẩn bị dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên của Tòa án Nhân dân tối cao - một đạo luật chuyên biệt về tố tụng hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc người chưa thành niên tiếp xúc với thủ tục tố tụng hình sự chính thức có thể dẫn đến việc lặp lại các chu kỳ phạm tội; một số biện pháp hình sự đối với hành vi phạm tội (chẳng hạn như bắt giam, phạt tù) có thể thúc đẩy hơn nữa tội phạm. Do đó, các hệ thống tư pháp hình sự riêng biệt, trại giam riêng dành cho người chưa thành niên đã được thiết lập tại rất nhiều quốc gia, một phần cũng là do nhu cầu ngăn chặn người chưa thành niên bị ảnh hưởng bởi những người lớn phạm tội.