Xử lý đến cùng các kết luận sai phạm

Giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2024, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đánh giá việc thực hiện các kết luận thanh tra và kết quả khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý đến cùng các kết luận sai phạm.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện, chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp, các quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động cơ bản được thực hiện. Cơ bản, các doanh nghiệp đã quan tâm, chú ý hơn đến việc chăm lo sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, đánh giá các yếu tố có hại và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động. Số người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm; số người lao động được chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số lao động được khám, phát hiện. Việc khai báo, điều tra, giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động tại các doanh nghiệp được thực hiện nghiêm theo quy định.

 Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp tại huyện Lục Nam. Ảnh: Ngô Thắng

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp tại huyện Lục Nam. Ảnh: Ngô Thắng

Bên cạnh những mặt tích cực trên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những quy định pháp luật về ATVSLĐ, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và các doanh nghiệp sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra còn ít, chất lượng một số cuộc chưa cao; việc xử lý vi phạm đối với một số trường hợp còn chưa kiên quyết, chưa đủ tính răn đe. Công tác đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời nên còn có doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện, còn tình trạng không khắc phục sai phạm theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra (Công ty TNHH May thời trang TS An Kiên - huyện Lục Nam). Mặc dù tần suất tai nạn lao động hàng năm đều giảm nhưng số tai nạn lao động vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mức cao (từ năm 2022 đến tháng 6 năm 2024, xảy ra 324 vụ tai nạn lao động, trong đó có 238 vụ nhẹ, 68 vụ nặng, 18 vụ chết người làm 18 người chết).

Một số doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện các biện pháp giảm thiểu các yếu tố có hại, nguy hiểm đến người lao động như: chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; không xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực hiện nghiêm túc việc trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động. Môi trường lao động của một số doanh nghiệp chưa bảo đảm, còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Xử nghiêm hành vi vi phạm

Từ những vấn đề đặt ra qua giám sát, để nâng cao việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ trong doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ. Tiếp tục chỉ đạo kiện toàn bộ máy, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ các cấp. Chỉ đạo, rà soát hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tổ chức đánh giá việc thực hiện các kết luận thanh tra và kết quả khắc phục các tồn tại của các doanh nghiệp. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động; tăng cường việc khám bệnh, kịp thời phát hiện, quản lý các bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.

Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cần tăng cường phối hợp với các huyện, thị, thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ. Đoàn giám sát nhấn mạnh việc cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ, tránh phát hiện ra vi phạm nhưng chỉ cảnh cáo, nhắc nhở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ tai nạn lao động theo quy định; đeo bám, đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý đến cùng các kết luận sai phạm. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ của đơn vị, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động…

Với vai trò của mình, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên triển khai, hướng dẫn đến cơ sở, doanh nghiệp các nội dung về tiêu chuẩn vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có môi trường lao động độc hại có thể gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Về phía UBND các huyện, thị, thành phố, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn; tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

KIỀU BẢO

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xu-ly-den-cung-cac-ket-luan-sai-pham-post397868.html