Xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17, Luật BHXH năm 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Công nhân sản xuất tại nhà máy thuộc tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Việt Cường

Công nhân sản xuất tại nhà máy thuộc tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Việt Cường

Tham ô 68 tỷ đồng từ bảo hiểm xã hội

CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Đỗ Thương Thương, SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội để tiếp tục điều tra về tội “Tham ô tài sản”. Theo điều tra, Thương là kế toán viên BHXH quận Nam Từ Liêm được giao nhiệm vụ lập chứng từ chi trả tiền bảo hiểm các trường hợp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho các cá nhân, công ty tham gia BHXH trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Trong thời gian công tác từ ngày 26/10/2022 đến ngày 19/2/2024, lợi dụng sơ hở trong quá trình phê duyệt chứng từ chuyển tiền của lãnh đạo BHXH quận Nam Từ Liêm, đối tượng đã lập các ủy nhiệm chi khống trên hệ thống phần mềm kế toán tập trung của BHXH, thay đổi thông tin người thụ hưởng trên bảng kê chuyển tiền gửi ngân hàng. Sau đó, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng là người quen của Thương.

Khi người quen nhận được tiền, Thương đã yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Thương để chiếm đoạt, không có khả năng hoàn trả. Tổng số tiền đối tượng đã chiếm đoạt của BHXH quận Nam Từ Liêm ban đầu xác định là hơn 68 tỷ đồng. Đến ngày 26/4, lực lượng CA đã bắt giữ được Thương, khi đối tượng đang lẩn trốn tại Bình Dương. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra giám sát lĩnh vực này có hiệu quả?

Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc đặt câu hỏi về vấn đề quản lý nguồn quỹ BHXH cũng như tính hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra giám sát lĩnh vực này? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 2, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đưa ra hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về tội “Trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ)” theo Điều 216, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 như sau: “Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của BLHS là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN”.

Hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17, Luật BHXH năm 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đang có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp, gây thâm hụt về quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Việc bổ sung quy định “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ” trong BLHS năm 2015 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 216, BLHS năm 2015 quy định, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù lên đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 200 triệu lên đến 3 tỷ đồng.

Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho biết, 2 Điều này quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm bị trốn đóng.

Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản là giống nhau, riêng việc trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự. Do vậy, Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, dự thảo Luật nên thiết kế quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là các biện pháp xử lý như quy định tại Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hành vi chậm, trốn đóng BHXH đã được giải thích rõ ràng tại Điều 37, Điều 38 của dự thảo Luật, trong đó, có sự phân định theo thời gian. Trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng quy định tại khoản 6 Điều 33 đến hết 60 ngày mà chưa đóng là được xác định là chậm đóng; 60 ngày tiếp theo vẫn tiếp tục chưa đóng thì được xác định là trốn đóng.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, khắc phục các vướng mắc, đảm bảo cho các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa hai hệ thống pháp luật.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//xu-ly-hinh-su-hanh-vi-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-383738.html