Xử lý kẻ dùng 20 tỉ đồng 'điều chuyển' giám đốc Công an đi nơi khác

Báo BVPL có bài viết: 'Âm mưu dùng 20 tỉ đồng 'điều chuyển' giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác'. Vậy, tôi xin hỏi, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? (Vân Ngọc, Bắc Giang).

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết:

Theo thông tin ban đầu, đối tượng Trần Trí Mãnh đã sản xuất hàng giả từ lâu với quy mô rất lớn để bán khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và có quan hệ lớn với các đầu nậu buôn lậu ở An Giang cùng các tỉnh thành khác. Nhận thấy gần đây Công an tỉnh đấu tranh mạnh với tình trạng buôn lậu, mua bán vận chuyển hàng gian, hàng giả tại khu vực biên giới. Vì sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn của mình nên Trần Trí Mãnh đã bàn bạc với các đầu nậu khác trên địa bàn, tìm người để điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh đi chỗ khác để dễ làm ăn.

Chỉ trong vòng hai tháng, Ban chuyên án đã thu thập được tất cả tài liệu, chứng cứ và nguồn tin để phá án. Rõ ràng, qua vụ việc này, Công an tỉnh An Giang đã đánh đúng và trúng đối tượng, hiệu quả với tội danh của các loại tội phạm nên các đối tượng này đã phản ứng lại. Đối tượng Mãnh đã nhờ cậy bị can Đào Ngọc Cảnh thực hiện vụ “điều chuyển” giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác với số tiền 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, bản chất vụ việc này chỉ là lừa đảo, chứ không phải nhờ hỏi, chạy chọt.

 Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Theo thông tin ban đầu, bị can Trần Trí Mãnh có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Điều luật này quy định 4 khung hình phạt đối với người phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và 1 khung quy định các mức phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

* Đối với cá nhân phạm tội, điều luật quy định xử phạt như sau:

- Khung 1: quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này.

Bao gồm các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.0000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội trên, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Khung 2: quy định hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Buôn bán qua biên giới; Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 3: quy định hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 2 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Khung 4: quy định hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Do vụ án mới bước đầu, cơ quan điều tra chưa kết luận giá thành sản xuất, hàng giả tương đương với số lượng hàng thật và các tình tiết khác nên hiện giờ chưa thể định khung. Khi có số liệu chính xác, mức hình phạt sẽ được xác định tương ứng với khung hình phạt.

Riêng với tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cũng theo thông tin ban đầu, chưa xác định được số tiền 10 tỷ này là của ai đưa cho bị can Trần Trí Mãnh. Nếu của người khác đưa cho Mãnh để Mãnh cùng với các bị can khác như Đào Ngọc Cảnh, Ngô Văn Trọng, Vũ Văn Quý, Hoàng Thị Tâm thực hiện hành vi phạm tội thì các bị can sẽ bị khởi tố theo Điều 174 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Đối tượng Trần Trí Mãnh. Ảnh: Công an

Đối tượng Trần Trí Mãnh. Ảnh: Công an

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là một tội danh được quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức.

b) Có tính chất chuyên nghiệp.

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/theo-dong/xu-ly-ke-dung-20-ti-dong-dieu-chuyen-giam-doc-cong-an-di-noi-khac-102602.html