Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật

Chiều 12.2, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Rõ nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày, qua rà soát bước đầu, Chính phủ nhận thấy, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật. Ở cấp Trung ương có 5.026 văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý ngay (bao gồm cả các luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội); ở địa phương là 2.828 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.

“Với số lượng rất lớn các văn bản cần xem xét, xử lý trong thời gian ngắn thì việc đặt ra yêu cầu sửa đổi từng văn bản trong hệ thống là nhiệm vụ bất khả thi và có nguy cơ dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội”. Nhấn mạnh đòi hỏi từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để xử lý những vấn đề có tính chất chung giữa các cơ quan và một số vấn đề có tính chất đặc thù, riêng biệt trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.

Về thực hiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền khi có thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính, gồm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp và không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp; thông báo công khai thông tin theo quy định.

Về giá trị của văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp, dự thảo Nghị quyết quy định văn bản, giấy tờ đã được ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

"Cơ quan, người có thẩm quyền không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi giấy tờ mà chưa hết thời hạn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành hoặc liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác ban hành mà sau khi sắp xếp không xác định được cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ thì do Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng khi có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt. Trong thời gian Chính phủ chưa có quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chánh Thanh tra, Chủ tịch UBND các cấp hoặc các chức danh khác đang có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định thay thế.

Cần chủ động theo dõi, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục xử lý vi phạm hành chính

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật; dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

"Theo quy định tại Điều 1, dự thảo Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước và bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi, kiểm tra, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 8 nếu cần thiết để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện, hạn chế việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.

Cơ bản tán thành với các quy định về việc xử lý đối với văn bản, giấy tờ đã được ban hành trước khi thực hiện sắp xếp (Điều 10), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, đặc biệt là thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp ban hành trước đó để bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, công sức trong quá trình triển khai thực hiện.

Để người dân, doanh nghiệp và các đối tượng khác có liên quan có thể tiếp cận, tra cứu các nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước một cách thuận lợi, dễ dàng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, quy định rõ bên cạnh việc công khai trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì các nội dung liên quan đến trách nhiệm giải quyết, xử lý của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cần được công khai một cách tập trung tại Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và bổ sung quy định về trách nhiệm hướng dẫn cách thức liên thông, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan để bảo đảm thực hiện yêu cầu công khai thông tin nói trên.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xu-ly-kip-thoi-cac-van-de-phat-sinh-tranh-khoang-trong-phap-luat-post404297.html