Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 6-5, trước thực trạng xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đây là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã thiết lập thành đường dây có tổ chức để trục lợi bất chính. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trên và ngăn chặn việc tái diễn.

Thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng là hàng giả

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để tiến hành thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả; phối hợp với Bộ Công an xử lý, giải quyết theo quy định; khuyến cáo người dân không nên sử dụng các sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan công an.

Đối với các sản phẩm thuốc giả, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bên cạnh việc chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra từ Trung ương, Bộ Y tế xác định việc phân cấp cho địa phương là giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực dược, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả. Theo đó, trong trường hợp phát hiện thuốc không đạt chất lượng, sở y tế các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc, xử lý vi phạm và thông báo tạm dừng lưu hành, thu hồi thuốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

 Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn. Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn. Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đề xuất có biện pháp siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với hình thức phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực phẩm dinh dưỡng; tăng cường hậu kiểm, công khai thông tin đến người dân. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn.

Đặt mục tiêu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân

Tại họp báo, chia sẻ về chủ trương miễn viện phí cho toàn dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn và nhân văn. Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Về định hướng, từ năm 2026 đến 2030, có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe tâm thần, y tế học đường, khám sức khỏe định kỳ, quản lý bệnh mạn tính, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa tổng quát; 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Đến năm 2045, hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí y tế, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) khám răng cho trẻ. Ảnh: DUY TUÂN

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) khám răng cho trẻ. Ảnh: DUY TUÂN

Về lộ trình thực hiện, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, từ năm 2026 đến 2030, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách để mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh cho người dân. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng tỷ lệ, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người có mức sống trung bình, một số nhóm bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hành vi lạm dụng, trục lợi từ việc cung cấp miễn phí dịch vụ khám, chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực, quá tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-gia-827210