Xử lý nghiêm hành vi không xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường giám sát việc xuất hóa đơn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Sáng 9/5, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và triển khai giải pháp trong thời gian tới.
Đến thời điểm, Hà Tĩnh có 7.024 DN, hộ kinh doanh đã đăng ký, sử dụng HĐĐT; trong đó, 1.135 DN, hộ kinh doanh áp dụng HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Với kết quả trên, Hà Tĩnh đứng tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ triển khai cao nhất trên cả nước.
8 nhóm ngành nghề kinh doanh phải triển khai HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền: kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở kinh doanh theo mô hình chuỗi, kinh doanh vàng bạc và trang sức mỹ nghệ.
Qua đánh giá thực tế cho thấy, số liệu đăng ký HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền tương đối cao nhưng số lượng hóa đơn xuất ra so với thực tế còn khiêm tốn. Lũy kế đến nay, các đơn vị mới chỉ xuất hơn 1,4 triệu HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Vẫn có một bộ phận người nộp thuế sử dụng hóa đơn giấy, phiếu tính tiền, phiếu đặt chỗ hoặc bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn sai thời điểm như: dịch vụ trông giữ xe, vé vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, vận tải hành khách…
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền như: doanh nghiệp phát sinh chi phí khi triển khai; ngành vận tải vẫn đang sử dụng phiếu đặt chỗ, kinh doanh vàng bạc vẫn chưa xuất hóa đơn; người tiêu dùng chưa chủ động cung cấp thông tin để xuất hóa đơn; sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các ngành liên quan chưa thật sự đồng bộ, quyết liệt...
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh Dương Hồng Lĩnh nhấn mạnh: HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền là quy định bắt buộc, đề nghị doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành hàng phải triển khai nghiêm túc thực hiện.
Thời gian tới, các phòng/chi cục cần báo cáo chính quyền địa phương để có văn bản chỉ đạo và giải pháp hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trong việc chuyển đổi áp dụng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện; rà soát, tăng cường giám sát việc xuất hóa đơn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn không đúng thời điểm, sử dụng hóa đơn không hợp pháp…
Mức xử phạt các sai phạm về hóa đơn:
- Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp bị phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng theo quy định tại Điều 28, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
- Đối với hành vi bán hàng không xuất hóa đơn bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5, Điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
- Đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm bị phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4, Điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.