Xử lý ra sao nếu kỹ sư không thể bồi thường vụ xe Ferrari bị tai nạn

Luật sư nhìn nhận biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án có thể được áp dụng nếu kỹ sư không đủ tiền bồi thường thiệt hại cho chiếc Ferrari 488.

Sáng 21/7, chiếc Ferrari 488 lao lên vỉa hè, tông gãy 2 cây xanh ở khu vực Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, quận Long Biên, Hà Nội. Theo chủ xe, tài xế điều khiển chiếc Ferrari 488 là nhân viên của Volvo Hà Nội, nơi chủ xe đã gửi để sửa chữa, bảo dưỡng.

Còn anh T. (kỹ sư sửa xe) cho biết khi chủ Ferrari 488 thông báo gặp sự cố, Ferrari Việt Nam đã nhờ anh đưa xe về bãi của Volvo Hà Nội để chờ nhân viên tới xử lý. Ferrari Việt Nam sau đó nhờ anh T. trực tiếp sửa chữa chiếc xe. Kỹ sư này không báo cáo lãnh đạo Volvo Hà Nội mà sửa chữa theo thỏa thuận cá nhân với Ferrari Việt Nam.

Trường hợp này, anh T. có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe hay không? Trường hợp vụ việc được đưa ra giải quyết tại tòa án, nếu người gây thiệt hại không đủ tiền bồi thường, việc thi hành án dân sự sẽ diễn ra như thế nào?

 Chiếc Ferrari biến dạng sau vụ tai nạn.

Chiếc Ferrari biến dạng sau vụ tai nạn.

Luật sư Trần Xuân Tiền (nguyên Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cho rằng các thông tin trong vụ việc còn mâu thuẫn, chưa đồng nhất, yếu tố quan trọng là mối quan hệ giữa garage Volvo Hà Nội, Ferrari Việt Nam và chủ xe chưa được làm sáng tỏ. Do đó, nếu vụ việc được đưa ra giải quyết tại tòa án dân sự, để xác định người có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe bị tai nạn phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Theo thông tin hiện có, chiếc Ferrari 488 (giá trị khoảng 23 tỷ đồng) được Ferrari Việt Nam nhận bảo dưỡng, có mượn địa điểm của Volvo để làm việc và việc bảo dưỡng sau đó cũng được thực hiện bởi nhân viên Volvo Hà Nội. Trường hợp này, 3 tình huống có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất, nếu Volvo Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm sửa chữa chiếc xe và đã có thỏa thuận rõ ràng với Ferrari Việt Nam, trách nhiệm bồi thường thuộc về Volvo. Trong đó, hãng này có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015. Sau đó, pháp nhân có quyền yêu cầu kỹ sư T. hoàn trả tiền bồi thường.

Để yêu cầu anh T. hoàn trả tiền bồi thường, có 2 yếu tố cần xác minh. Đó là việc anh T. là nhân viên chính thức của Volvo Hà Nội và người này gây tai nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ do đơn vị giao cho.

Thứ hai, nếu kỹ sư này sửa chữa xe thông qua sự giới thiệu và đề nghị riêng của Ferrari Việt Nam, cần xem xét khi tiến hành công việc, đôi bên có thỏa thuận, giao kèo bằng lời nói (đã ghi âm) hoặc bằng văn bản đã có xác nhận của các bên về việc giải quyết vấn đề khi phát sinh tranh chấp, thiệt hại hay không. Đây sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của các bên.

Trường hợp này, Ferrari là đơn vị trực tiếp làm việc với người bị thiệt hại và có trách nhiệm chính trong vấn đề này nếu đôi bên không có các giao kèo, thỏa thuận có giá trị pháp lý. Đây là đơn vị có chuyên môn, khi thuê lại người để thực hiện công việc cho mình thì đơn vị này có trách nhiệm đảm bảo người đó có đủ năng lực sửa chữa và đảm bảo tính an toàn cho chiếc xe.

Đối với kỹ sư T., do là người trực tiếp bảo dưỡng và gây ra vụ tai nạn, anh sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho chủ xe.

Thứ ba, nếu kỹ sư tự nhận sửa chữa bên ngoài, thỏa thuận riêng với chủ xe mà không thông qua các pháp nhân là Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam, trách nhiệm bồi thường thuộc về kỹ sư sửa chữa.

Do đây là vụ việc dân sự, ý chí và sự thỏa thuận của các bên sẽ được ưu tiên trong giải quyết vấn đề. Trường hợp thỏa thuận không thành, vụ việc có thể được đưa ra giải quyết tại tòa án dân sự.

 Tin nhắn từ nhân viên Ferrari Việt Nam gửi cho chủ chiếc Ferrari 488.

Tin nhắn từ nhân viên Ferrari Việt Nam gửi cho chủ chiếc Ferrari 488.

Nói về việc thi hành án dân sự, luật sư Tiền cho biết trong trường hợp đã có bản án/quyết định có hiệu lực của tòa án, trong đó nêu rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây tai nạn, người này có trách nhiệm chấp hành bản án cho đến khi thanh toán xong toàn bộ số tiền phải bồi thường. Theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, trường hợp người có trách nhiệm không tự nguyện thi hành án hoặc không thanh toán đầy đủ số tiền phải bồi thường trong thời hạn nhất định, thì cơ quan thi hành án có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho quá trình thi hành bản án.

Cụ thể, nếu người phải thi hành án không có tài sản để thực hiện quyết định thi hành án, Chấp hành viên sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 6 tháng một lần. Nếu trong thời gian tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện được nghĩa vụ của mình, thì cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế.

Căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế như khai thác tài sản; kê biên, xử lý tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án và các biện pháp khác theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Ttrường hợp đã kê biên toàn bộ tài sản mà vẫn không đủ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, cơ quan thi hành án có thể tiến hành biện pháp “Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” theo Điều 78 Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

Như vậy, nếu cơ quan thi hành án đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết nhưng vẫn không đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, mà người này vẫn có những khoản thu nhập ổn định, cơ quan thi hành án sẽ khấu trừ tài sản và thực hiện thi hành án đối với người này. Việc khấu trừ sẽ được thực hiện cho đến khi người này hoàn thành xong nghĩa vụ bồi thường theo quyết định/bản án của tòa án.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm thủ trưởng cơ quan thi hành án, luật sư Tiền cho biết đã trực tiếp thực hiện, chứng kiến nhiều trường hợp mà mức độ thiệt hại cao hơn nhiều lần so với tài sản mà người gây thiệt hại sở hữu. Trong các trường hợp mà thiệt hại về tài sản lớn, do người làm công trực tiếp gây ra, các hãng lớn thường có xu hướng né tránh, chối bỏ trách nhiệm. Cộng thêm người làm công có thu nhập thấp, không ổn định, việc thi hành án dân sự thường gặp nhiều khó khăn.

"Trong các trường hợp này, để vấn đề được giải quyết cần sự linh hoạt của các bên liên quan, nên hướng tới việc hỗ trợ người yếu thế và cân bằng lợi ích các bên. Bên phải thi hành án nên thể hiện thiện chí, tích cực bằng mọi cách để bồi thường thiệt hại, còn bên được thi hành án nên cân nhắc các khả năng để miễn, giảm mức bồi thường. Điều này thường được tạo điều kiện với sự phối hợp của chấp hành viên và luật sư", ông Tiền chia sẻ.

Sáng 21/7, ôtô Ferrari 488 GTB di chuyển trên tuyến đường ở quận Long Biên thì mất lái, lao lên vỉa hè rồi tông gãy đổ 2 cây xanh. Va chạm không gây thiệt hại về người, nhưng khiến chiếc ôtô nát đầu. Phương tiện trên hiện có giá sau thuế khoảng 15-20 tỷ đồng tùy phiên bản. Chủ xe cho rằng chi phí để sửa chữa ước tính hơn 6 tỷ đồng.

Trước đó, khi xe gặp sự cố ngày 9/7, anh H. (chủ xe) báo với Ferrari Việt Nam. Phía Ferrari Việt Nam đã nhờ anh T. (nhân viên Volvo Hà Nội) đưa xe về bãi của đơn vị để chờ nhân viên tới xử lý. Sau đó, Ferrari Việt Nam nhờ anh T. trực tiếp sửa chiếc Ferrari. Sau khi sửa xong, do không có bằng lái nên anh T. nhờ nhân viên khác tên là D. chạy thử trước khi bàn giao thì xảy ra tai nạn.

Kỹ sư T. cho biết trước khi nhận sửa xe đã không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội. Việc sửa chữa cho Ferrari Việt Nam là thỏa thuận riêng của cá nhân kỹ sư này. Sáng 23/7, Volvo Hà Nội đã tạm đình chỉ công việc 2 người liên quan.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-ly-ra-sao-neu-ky-su-khong-the-boi-thuong-vu-xe-ferrari-bi-tai-nan-post1340235.html