Xử lý rác thải cồng kềnh: Doanh nghiệp cần được gỡ khó
Việc thu gom rác thải cồng kềnh dù không nằm trong hợp đồng nhưng lâu nay DN vẫn phải thực hiện thu gom, xử lý dẫn tới phát sinh chi phí.
Không những vậy, tình trạng này vô tình dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân khi DN vệ sinh môi trường không thể đảm nhiệm hết khối lượng phải thu gom.
Còn những hiểu lầm
Trên những tuyến phố Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều điểm tập trung rác thải tự phát gây ô nhiễm. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại các vị trí mất mỹ quan này, nhiều vật dụng như bàn, ghế, tủ, thiết bị nhà vệ sinh, vật liệu xây dựng... xuất hiện nhan nhản và được gọi chung là rác thải cồng kềnh.
Qua tìm hiểu, rác thải cồng kềnh thường không có trong hợp đồng thu gom, vận chuyển giữa đơn vị phụ trách vệ sinh môi trường với các quận, huyện. Nguyên nhân chỉ ra bởi chưa có định mức, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh. Dù vậy, do trách nhiệm cộng đồng nên lãnh đạo các DN vẫn yêu cầu công nhân thực hiện thu gom, vận chuyển nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh gây bức xúc với người dân.
Vấn đề ở chỗ, không ít người đến nay vẫn cho rằng những loại phế phẩm nêu trên là rác thải sinh hoạt nên vô tư ném ra đường, hoặc để chung vào điểm vứt rác khiến công tác thu gom của công nhân vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.
Bởi kích thước lớn, nặng, việc vận chuyển rác thải cồng kềnh bằng xe đẩy tay gần như không thể thực hiện được, dẫn đến công nhân vệ sinh môi trường phải bỏ lại. Lúc này, do hiểu lầm nên người dân cho rằng đơn vị phụ trách thu gom làm việc thiếu trách nhiệm.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công Phạm Thiện Lộc cho biết, lâu nay, nhiều người vẫn giữ thói quen vứt tất cả các loại đồ dùng không sử dụng chung với rác thải sinh hoạt mà không qua phân loại và mặc định rằng việc thu gom, xử lý thuộc về trách nhiệm DN vì đã đóng phí. Trong khi đó, do các khu xử lý tập trung không nhận rác thải cồng kềnh chưa qua xử lý nên riêng với dạng này, công ty vệ sinh môi trường phải thực hiện thu gom bằng xe cơ giới, sau đó vận chuyển tới cơ sở nghiền, ép, tiêu tốn thêm nhiều chi phí, công sức và thời gian của DN.
Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay người dân Thủ đô có đời sống cao nên thói quen gìn giữ đồ đạc có nhiều thay đổi. Việc tu sửa nhà cửa, thay mới các loại đồ dùng, vật dụng cũng diễn ra thường xuyên hơn, dẫn đến số lượng rác thải cồng kềnh phát sinh ngày càng lớn.
Sớm có đơn giá thu gom
“Không thể nói rằng ngoài hợp đồng thì DN sẽ không thực hiện thu gom, chúng tôi vẫn làm vì trách nhiệm cộng đồng, góp phần cải thiện TP xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, vẫn cần có sự thấu hiểu và đồng hành của người dân để công tác vệ sinh môi trường được thực hiện trọn vẹn” - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên Phạm Xuân Khang chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Theo đó, song song với đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường theo hợp đồng đã ký, các DN còn thường xuyên hỗ trợ thu gom vật liệu như mái tôn, mái vảy, gạch, vữa xây dựng... khi các địa phương thực hiện công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, vấn đề về nơi tập kết cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ mới đây, do xảy ra tình trạng ùn ứ, “tắc rác” tại các khu xử lý tập trung của TP nên DN thu gom là Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên phải lưu lại số rác cồng kềnh tại điểm tập kết phương tiện trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy dẫn đến nhiều bức xúc cho người dân địa phương. Mặc dù sau đó, số rác này đã được di dời nhưng những ấn tượng không tốt của người dân về phía DN chắc chắn sẽ còn lưu lại.
Giám đốc Hợp tác xã Thành Công thì cho rằng, công tác kiểm soát rác thải cồng kềnh cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các phường, quận. Thứ nhất, kiên quyết không để xảy ra bãi rác tự phát gây nhiều hệ lụy.
Thứ hai, để quản lý tận gốc, cần sự nắm bắt sát sao của cán bộ phụ trách, yêu cầu các hộ gia đình tuân thủ hành vi vứt rác đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt, đối với các hộ xây, sửa nhà, có rác cồng kềnh thải bỏ phải cung cấp được hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý có đủ năng lực, đồng thời áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của việc thải bỏ rác cồng kềnh cũng như nâng cao trách nhiệm, hành vi của từng cá nhân, tổ chức. Đồng thời nhanh chóng nghiên cứu, tính toán đưa ra mức chi phí phải trả mỗi khi có rác cồng kềnh thải bỏ để người dân phải tự hạn chế do tốn kém.
Liên quan đến xây dựng đơn giá đối với thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hiện công tác này đang được Sở Xây dựng thực hiện. Sau khi hoàn thiện, việc quản lý sẽ được Sở Xây dựng bàn giao về Sở TN&MT trước ngày 1/1/2023.
"Để cải tiến hay hoàn thiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp, giải pháp kỹ thuật đối với đặc điểm của từng công nghệ.
Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và lộ trình tính phí trên nguyên tắc phí thu gom, dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý phải được tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan và vận hành có lộ trình phù hợp." - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, PGS.TS Đặng Kim Chi
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-ly-rac-thai-cong-kenh-doanh-nghiep-can-duoc-go-kho.html