Xử lý rác thải trong phòng, chống dịch Covid-19

ĐBP - Lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao, nên rác thải ở các khu cách ly, điều trị cũng tăng lên. Ngoài ra, còn lượng rác thải từ công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin Covid-19 trong cộng đồng; dẫn đến tình trạng rác thải y tế tăng cao đột biến. Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, tại Khu cách ly Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo thục thường xuyên huyện, khu điều trị F0 của bệnh viện, trong tháng 1/2022 là 860kg; tháng 2 là 620kg/tháng. Tại các khu điều trị, lượng rác trung bình 19kg/ngày; thời kỳ cao điểm lên tới 60kg/ngày.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Mường Chà vận hành lò đốt rác.

Tình trạng rác thải lây nhiễm tồn đọng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 cao. Để khắc phục tình trạng này, huyện Mường Chà đã chỉ đạo ngành Y tế, các lực lượng chức năng tăng cường hướng dẫn các khu cách ly điều trị F0 và những F0 điều trị tại nhà về việc thu gom, phân loại rác thải theo đúng quy định. Đối với các khu cách ly tập trung, khu cách ly điều trị F0 mỗi phòng đều được trang bị thùng rác có nắp đậy, bên ngoài có thùng rác lớn để thu gom đi xử lý. Quá trình thu gom, vận chuyển đều được phun hóa chất khử khuẩn.

Mường Chà cũng tăng cường tuyên truyền vận động người dân về việc phân loại, xử lý rác tại các hộ có F0 điều trị tại nhà. Chỉ đạo các trạm y tế trực thuộc hướng dẫn người dân, người chăm sóc đối tượng điều trị F0 tại nhà cách phân loại chất thải. Trong đó, các chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, các vật dụng dùng một lần trong ăn uống của người cách ly, hoặc trong phòng cách ly tại nhà đối với F1 và tất cả các loại chất thải phát sinh tại nhà F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải được thu gom vào túi nilon màu vàng, xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly các túi nilon màu vàng đều phải ghi hoặc dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Quy trình vận chuyển và xử lý rác đảm bảo nghiêm ngặt không để lây lan dịch bệnh. Người tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải được trang bị phương tiện bảo hộ đúng quy định. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu: Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển. Ưu tiên xử lý chất thải tại các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn, để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh đến cơ sở xử lý. Các hộ cách ly tại nhà hạn chế vận chuyển rác thải ra khỏi khu vực lưu trú, thực hiện xử lý tại chỗ bằng phương pháp thiêu hủy.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: Hiện nay, mặc dù Trung tâm chỉ mới xử lý rác thải y tế bằng lò đốt thủ công chưa có hệ thống lọc khí. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số ca F0 tăng, lượng rác thải y tế tăng đột biến. Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, tăng số lần đốt/ngày; tuyên truyền người dân, những gia đình có F1, F0 cách ly tại nhà thực hiện xử lý rác tại chỗ bằng phương pháp thiêu hủy. Cơ bản đã khắc phục được tình trạng rác thải y tế tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải y tế trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị Covid-19 như: Chưa có xe chuyên dụng để vận chuyển rác, trong đợt cao điểm tháng 11, 12/2021 phải xin trưng tập xe vận chuyển rác thải sinh hoạt của công ty môi trường mỗi ngày 1 chuyến lên khu bãi rác của huyện để xử lý; lò đốt thủ công chưa có hệ thống lọc khí, công suất thấp 20kg/mẻ...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phong-chong-covid-19/195657/xu-ly-rac-thai-trong-phong-chong-dich-covid-19-