Xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết ngay từ khi xuất hiện

Xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết ngay khi xuất hiện, đồng thời hướng dẫn người dân, học sinh diệt loăng quăng là giải pháp quan trọng để ngăn chặn gia tăng người mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa.

Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết trong 48 tiếng

Những năm trước, Khánh Hòa là một trong những địa phương có số mắc bệnh sốt xuất huyết cao so với cả nước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh này ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phát hiện tổng cộng 74 ổ dịch sốt xuất huyết.

Ngày 25/4, bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời tiết thất thường, các ổ dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa có dấu hiệu tăng dần. Hệ thống y tế dự phòng ở địa phương đang khẩn trương tiến hành đồng loạt các giải pháp xử lý triệt để.

"Chúng tôi đang "tung" nhiều tổ y tế về các huyện, thị xã, thành phố ở Khánh Hòa để xử lý bệnh sốt xuất huyết, nhất là các huyện đã phát hiện nhiều ổ dịch như Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang...

Nhân viên y tế ở Khánh Hòa diệt loăng quăng giúp người dân phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nhân viên y tế ở Khánh Hòa diệt loăng quăng giúp người dân phòng bệnh sốt xuất huyết.

Mỗi ổ dịch sốt xuất huyết, chúng tôi quyết tâm xử lý triệt để trong 48 tiếng với các giải pháp như: Phun hóa chất 100% hộ dân thuộc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết; đánh giá sát sao nguy cơ từ muỗi truyền bệnh; hướng dẫn từng người dân cách nhận biết triệu chứng mắc bệnh, cách diệt loăng quăng, cách triệt tiêu môi trường phát sinh muỗi truyền bệnh.

Đồng thời, các tổ y tế ở địa phương liên tục khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình trạng sốt xuất huyết. Nếu nhận thấy khu dân cư hay xã/phường nào có nguy cơ cao, lực lượng y tế tức tốc phối hợp chính quyền địa phương triển khai các giải pháp khoanh vùng, phun hóa chất ngay để phòng ngừa", bác sĩ Toàn nói.

Phun hóa chất phòng bệnh sốt xuất huyết.

Phun hóa chất phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cũng theo bác sĩ Toàn, để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, các trạm y tế trên địa bàn cũng đang phối hợp các trường học hướng dẫn học sinh dọn dẹp vệ sinh nơi học tập, sinh sống; dạy các em cách loại bỏ môi trường phát sinh loăng quăng/bọ gậy như lật úp một số vật chứa nước, gom ống bơ, vỏ dừa... để vào nơi tập kết rác thải theo quy định.

Hơn 70 trường hợp sốt xuất huyết nặng

Trong tổng số hơn 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa từ đầu năm đến nay thì có 71 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Đặc biệt, một số người ở Khánh Hòa vẫn còn chủ quan, khi bị sốt xuất huyết không đến cơ sở y tế sớm hoặc tự mua thuốc điều trị.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến cáo, hầu hết người bị sốt xuất huyết đều được chữa khỏi trong khoảng 1 đến 2 tuần với điều kiện phải đến cơ sở y tế sớm. Thực tế, một số trường hợp chủ quan, đến cơ sở y tế muộn dẫn đến sốc sốt xuất huyết gây khó khăn cho việc cứu chữa, thậm chí nặng quá có thể tử vong. Vậy nên, người dân không nên chủ quan.

Người dân nên đến cơ sở y tế khi có triệu chứng sốt xuất huyết như sốt, đau khớp và cơ, phát ban...

Người dân nên đến cơ sở y tế khi có triệu chứng sốt xuất huyết như sốt, đau khớp và cơ, phát ban...

Khi người dân thấy các triệu chứng như: sốt, đau phía sau mắt, nhức đầu, đau khớp và cơ, phát ban...thì đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị. Bên cạnh đó, trước tình hình đã xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, người dân nên tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y tế như: Tiêu diệt loăng quăng nơi sinh sống, ngủ trong màn (kể cả ban ngày), dùng kem xua muỗi-vợt điện diệt muỗi, dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi (nơi đã có ổ dịch) ...

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-ly-triet-de-cac-o-dich-sot-xuat-huyet-ngay-tu-khi-xuat-hien-169250425120042328.htm