Xử lý vi phạm hành chính rườm rà cần được khắc phục
Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC hiện còn rườm rà, phức tạp, do vậy, cần phải sửa đổi các quy định một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để khắc phục tình trạng này.
Tiếp tục Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, theo kế hoạch, sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Theo dự thảo Tờ trình Dự án Luật XLVPHC, sau 12 năm triển khai thi hành, Luật XLVPHC đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, hệ thống quy định của Luật XLVPHC đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 9
Hiện nay, trình tự, thủ tục xử phạt VPHC áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC còn rườm rà, phức tạp. Việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhiều bước trung gian, kéo dài thời gian xử lý, làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật.
Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý trở thành một yêu cầu tất yếu. Nếu không sớm có sự điều chỉnh, pháp luật về xử lý VPHC sẽ tiếp tục trì trệ, trong khi tiềm năng của công nghệ số chưa được khai thác triệt để để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện trong quản lý nhà nước
Việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính, sự chuyển giao nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành tác động lớn đến các quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC, thẩm quyền quyết định cưỡng chế, thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC của các chức danh và các quy định về quy trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tổ chức thi hành các quyết định trong xử lý VPHC.
Một số các quy định cụ thể liên quan đến mức tiền phạt tối đa, thẩm quyền phạt tiền, mức tiền phạt đối với hành vi,... trong Luật XLVPHC đã trở nên lạc hậu so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; các quy định về thi hành quyết định xử phạt VPHC, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn (như quy định phải thu giữ, bảo quản giấy phép, chứng chỉ hành nghề hiện nay không còn phù hợp khi nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp dưới dạng điện tử)…
Dự thảo Luật XLVPHC (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Luật XLVPHC để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành, đảm bảo hệ thống pháp luật về xử lý VPHC phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức bộ máy; đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý VPHC; đơn giản hóa thủ tục trong xử lý VPHC, bảo đảm tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành pháp luật.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề cấp bách, thật sự cần thiết phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và bám sát yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Các nội dung khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện tại Kỳ họp thứ 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/4/2025.
Về thời hiệu xử phạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến để khắc phục vướng mắc thời gian qua và bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi sửa toàn diện Luật XLVPHC. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng thời, thuyết minh làm rõ lý do bổ sung, cơ sở xác định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới. Tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành khi sửa toàn diện Luật.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền xử phạt, tán thành bổ sung về thẩm quyền xử phạt VPHC, đồng thời bãi bỏ các điều quy định về thẩm quyền xử phạt của từng chức danh cụ thể để phù hợp với yêu cầu “luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài”.
Rà soát việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc Viện kiểm sát nhân dân, đoàn kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa với yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 26/143 điều, sửa kỹ thuật 22/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật XLVPHC) và bổ sung mới 01 điều.
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung của 26/143 điều, sửa kỹ thuật 22/143 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy; sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức làm việc cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính phổ quát.