Xử phạt hành vi đốt vàng mã: Tán thành '2 tay, 2 chân'

Hà Nội gần đây xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản nên việc chính quyền xử phạt người có hành vi đốt vàng mã ở khu tập thể được người dân ủng hộ.

Một phụ nữ ở Hà Nội đã bị xử phạt 4 triệu đồng vì đốt vàng mã ở khu tập thể. Đây là lần hiếm hoi chính quyền xử phạt hành vi này khi mà gần đây Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo đó, do đốt vàng mã tại cầu thang duy nhất của khu nhà tập thể cũ, một phụ nữ đã bị UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội xử phạt 4 triệu đồng. UBND phường này xác định việc đốt vàng mã như thế là “hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm” (theo khoản 3 Điều 35 Nghị định số 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC)).

 Hình ảnh người dân vô tư đốt vàng mã gây nguy cơ hỏa hoạn. Ảnh CTV

Hình ảnh người dân vô tư đốt vàng mã gây nguy cơ hỏa hoạn. Ảnh CTV

Khi việc đốt vàng mã vẫn còn tràn lan trong cộng đồng khiến khói, tàn tro bay làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người khác và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, đã có rất nhiều ý kiến tán thành việc xử phạt hiếm hoi nói trên.

Trước tiên cần lưu ý về những nơi có quy định cấm sử dụng nguồn lửa (ở đây là cấm đốt vàng mã) theo điều khoản nêu trên của Nghị định 144/2021. Hiện tại chỉ có hai quy định về hai địa điểm cụ thể không được đốt vàng mã. Gồm có: 1) Nhà chung cư (trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư) (theo Thông tư số 02/2016 của Bộ Xây dựng); 2) Lễ hội (trừ địa điểm được những người có thẩm quyền cho phép đốt vàng mã) (theo Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).

Theo đó, đốt vàng mã ở chung cư bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng (theo điều khoản đã nêu của Nghị định 144/2021); đốt vàng mã ở nơi bị cấm ở các lễ hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 – 500 ngàn đồng (theo Nghị định 38/2021 nêu trên).

Nghị định 144/2021 còn có một quy định riêng về vi phạm trong việc để xảy ra cháy nổ. Theo đó, nếu vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản thì mức phạt tiền thấp, cao tùy thuộc giá trị tài sản bị thiệt hại. Đơn cử, mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 ngàn đồng (đối với tài sản dưới 20 triệu đồng). Kế đó là phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (đối với tài sản từ 20 - dưới 50 triệu đồng). Tiếp nữa là phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng (đối với tài sản từ 50 - dưới 100 triệu đồng)…

Xem ra, mức phạt tiền đối với việc đốt vàng mã ở chung cư đang không nhẹ. Theo các quy định năm 2012, 2013 thì mức phạt dành cho hành vi này là từ 2 – 5 triệu đồng. Tương ứng, mức phạt cho việc để xảy ra cháy nổ cũng có những thay đổi để nhiều người phải dè chừng, không dám vi phạm.

Trở lại việc đốt vàng mã, đã có nhiều người từ bỏ việc này vì theo cắt nghĩa trên báo chí của những người có chức vụ ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đây đơn giản là một thói quen, tập tục không tốt nhưng cũng có không ít người duy trì với suy nghĩ “trần sao âm vậy”...

Dẫu thế, sau nhiều vụ cháy lớn gây ám ảnh thì việc cất công xử phạt của UBND phường Thành Công khiến nhiều người phải cân nhắc chọn lựa việc đốt hay không đốt vàng mã, nhất là những người ở chung cư, khu tập thể. Và hơn hết, mỗi cá nhân cần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật về PCCC để không phải nhận lãnh trách nhiệm pháp lý – không chỉ là bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm về PCCC nếu gây ra hậu quả khôn lường.

Luật sư NGUYỄN THỊ THU TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-phat-hanh-vi-dot-vang-ma-tan-thanh-2-tay-2-chan-post793752.html