Xử phạt không phân loại rác tại nguồn: Thiếu những hướng dẫn cụ thể

Còn chưa đầy hai tuần nữa, cả nước chính thức bước vào giai đoạn phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, mọi thứ dường như vẫn đứng yên: thùng rác chung không đổi, người dân chưa được hướng dẫn cụ thể...

Liệu rằng, đây có trở thành một "chủ trương trên giấy" hay sẽ là khởi đầu cho một bước ngoặt trong quản lý rác thải tại Việt Nam?

Im lìm trước cột mốc quan trọng

Tại nhiều khu vực, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hệ thống thùng rác công cộng vẫn chưa được phân loại rõ ràng. Tại nhiều tòa chung cư ở Hà Nội, thùng đựng rác vẫn chỉ là những thùng lớn dùng chung, không có dấu hiệu thay đổi. Chị Nguyễn Thị Lan - cư dân sống tại một khu chung cư ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về việc phân loại rác. Thùng rác vẫn như cũ, không có ngăn chia hay ký hiệu gì".

Thu gom rác trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thu gom rác trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Không chỉ về cơ sở vật chất, công tác truyền thông và hướng dẫn người dân cũng chưa được triển khai hiệu quả. Anh Trần Văn Minh - sống tại một khu chung cư ở quận Hà Đông bày tỏ: "Tôi nghe nói sẽ bị phạt nếu không phân loại rác, nhưng chưa ai hướng dẫn chúng tôi cách thực hiện. Chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu".

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai do thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Trước đó, các chuyên gia môi trường đều nhận định, việc phân loại rác tại nguồn là cần thiết, nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ, rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương chưa được trang bị đủ thùng rác chuyên dụng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải tái chế chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, dẫn đến việc triển khai chậm trễ. Mặc dù đã có nhiều hội thảo, chuyên đề, văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng đến nay người dân vẫn chưa nắm được chủ trương, cách thức thực hiện, nhiều người dân chỉ biết là bị phạt nhưng không biết mức phạt ra sao. Đặc biệt, một nguyên nhân không nhỏ khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thể đi vào đời sống là thói quen sinh hoạt của người dân. Việc thay đổi thói quen sử dụng một thùng rác duy nhất trong nhiều năm không phải là điều dễ dàng.

Khi được hỏi về việc thực hiện phân rác ra từng loại trước khi mang đi bỏ vào thùng rác, không ít người dân vẫn tỏ ra mơ hồ, bởi trước nay họ vốn vẫn quen với việc bỏ tất vào một túi nilon rồi mang ra thùng rác bỏ. Còn việc phân loại rác, theo nhiều người đó là trách nhiệm của các công ty vệ sinh môi trường. "Tôi đã quen với việc bỏ tất cả rác vào một thùng. Giờ bảo phân loại, tôi không biết phải làm thế nào và liệu có ai thu gom riêng biệt hay không" – chị Nguyễn Thị Phương (phường Văn Quán, quận Hà Đông) trả lời một cách hồn nhiên khi được hỏi về việc phân loại rác tại nguồn.

Xử phạt có phải là “thượng sách”?

Với tình trạng hiện tại, khả năng thực thi đồng bộ trên cả nước vào ngày 1/1/2025 đang gặp nhiều thách thức. Phân loại rác cần bắt đầu từ nhận thức của người dân, nhưng công tác truyền thông hiện chưa đạt hiệu quả mong đợi. Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ và hình thức xử phạt rõ ràng, việc thực hiện có nguy cơ bị bỏ ngỏ. Theo thống kê, mỗi ngày, Việt Nam phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 15% được tái chế. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn nếu không có sự chuẩn bị và triển khai đồng bộ.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, để thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn, trước tiên phải thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những mặt chưa tốt về phía người dân, cán bộ quản lý, chế tài xử phạt, điều kiện thực hiện đồng thời phân rõ trách nhiệm và giải pháp phù hợp với từng địa phương cụ thể. “Thiếu sự đồng bộ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân loại rác thải tại nguồn không mang lại kết quả khả quan. Việc cần phải làm là tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị những hoạt động về đào tạo, tập huấn, phổ biến. Thậm chí, phải đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân và các DN có thể tổ chức triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn này" – PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, để chủ trương phân loại rác tại nguồn trở thành hiện thực, cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác và cách thực hiện đúng. Các địa phương cần tận dụng mọi kênh truyền thông để phổ biến chi tiết cách phân loại rác, lý do cần thực hiện, và mức phạt cụ thể. Bên cạnh đó, việc cấp phát thùng rác chuyên dụng là cần thiết. Nhà nước cần hỗ trợ các khu dân cư, chung cư, và cơ quan công sở bằng cách cung cấp thùng rác phân loại. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện phân loại rác. Bên cạnh đó, cần có hệ thống giám sát và xử phạt minh bạch. Cần có lực lượng kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh, để người dân dần hình thành ý thức tuân thủ. Nếu không có sự răn đe và kiểm soát chặt chẽ, việc phân loại rác khó có thể đi vào nền nếp.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08, Thông tư 02 đã quy định rất rõ về nội dung liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, nếu người dân, DN nào không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng… cũng sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định thành – bại của chủ trương lớn này bởi đây là câu chuyện liên quan đến tiền, đến năng lực, đến công nghệ. Nếu chúng ta không thực hiện đồng bộ thì khi người dân phân loại xong không biết vận chuyển đi đâu, lưu trữ ở đâu; DN tái chế không biết lấy nguồn rác từ chỗ nào vì quá trình thu gom có thể đã gộp lại với nhau làm mất tác dụng của việc phân loại, thu gom.

Thời gian chuẩn bị thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ còn 11 ngày, nếu các địa phương không tập trung vào hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển... thì chúng ta không thể thực hiện thành công việc phân loại, thu gom.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-phat-khong-phan-loai-rac-tai-nguon-thieu-nhung-huong-dan-cu-the.html