Xứ sở tình đời

Tôi về đây sinh sống gần nửa thế kỷ, nơi miền duyên hải cực Nam Trung bộ, xứ sở hiền hòa: Bình Thuận. Nơi giao lưu văn hóa từ các vùng miền Bắc, Trung, Nam, họ mang theo tên ấp tên làng, phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, nếp sống quê nhà, về đây hòa quyện với văn hóa bản địa, tạo nên diện mạo một vùng văn hóa hết sức đa dạng.

Dấu ấn một thời

Bài viết này tôi muốn giới thiệu đôi nét về người Quảng Nam sinh sống trên quê hương Bình Thuận. Họ đến với nhiều nguyên nhân, có khi tự bản thân đi tìm miền đất mới để mưu sinh; hoặc do điều động công tác của chính quyền, nhưng nhiều nhất là những chuyến di dân… Thuở ban đầu, người Quảng cũng như những người miền Trung khác di cư vào Nam, họ theo đường biển, đến những nơi có cửa sông thuận lợi cho việc tàu thuyền vào ra, dừng lại rồi định cư lập nghiệp, sinh con đẻ cái từ đời này sang đời khác, trở thành người bản địa. Người Quảng Nam đến Bình Thuận khá sớm, ở dọc theo các cửa sông. Ở Tuy Phong, họ đến sống khá nhiều ở thị trấn Phan Rí Cửa, nơi cửa sông Lũy chảy ra biển. Ở huyện Bắc Bình, một số hộ người Quảng Nam định cư khá lâu đời ở thị trấn Chợ Lầu. Còn các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, người Quảng sống rải rác, không nhiều.

Lễ hội dinh Thầy Thím. Ảnh: Đ.Hòa

Lễ hội dinh Thầy Thím. Ảnh: Đ.Hòa

Người Quảng Nam đến cửa sông Cà Ty ra biển Phan Thiết cũng rất sớm, tập trung nhiều ở phường Đức Thắng. Thuở ban đầu, người Quảng để lại những dấu ấn dân làng nơi đây ghi nhớ mãi. “Tương truyền, trong số người vào định cư đầu tiên tại phường Đức Thắng, có hai anh em họ Trần gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Người anh tên Trần Mưu khi vào đã tạo lập nên Vạn Nam Nghĩa (ở phường Đức Nghĩa). Còn người em tên Trần Chất đến lưu trú tại xã Đức Thắng, là người có công hoạch định xóm làng cho hai phường Đức Nghĩa và Đức Thắng ngày nay”…(1). Trần Chất là người kiên cường, được nhân dân yêu kính, nên khi ông mất, họ lập đền miếu thờ phụng. Lý do: “Nhân một lần Tả quân Lê Văn Duyệt kinh lý vùng đất phía Nam, ngang qua Phan Thiết năm 1816, ông Trần Chất – người có vai vế trong làng cùng nhân dân làng Đức Thắng ra chặn đầu ngựa dâng sớ xin giải quyết tranh chấp và xin được xây cầu, lập chợ. Tả quân Lê Văn Duyệt thấy vô cớ bị dừng xe, nên giận dữ khép tội dân làng phạm thượng và cho quân lính chém đầu ông Trần Chất ngay tại chỗ. Khi về lại kinh đô, đọc lại tờ sớ và xét thấy nhân dân vô tội, Tả quân Lê Văn Duyệt đã xin vua phong cho ông Trần Chất là Tiền hiền làng Đức Thắng”(2). Hiện nay tại đình làng Đức Thắng thờ 4 bài vị Tiền hiền, trong đó có 2 ông họ Trần, là: Trần Chất và Trần Mưu. Năm Tự Đức thứ 17, tháng 11 năm Giáp Tý (1864) hai cụ Trần Văn Kim và Lê Văn Hạnh là người Quảng Nam tiếp tục thừa kế, trùng tu ngôi đình có tầm vóc quy mô hơn. Đồng thời tại Đức Nghĩa còn có ngôi đình của bà con ngư dân Quảng Nam – Quảng Nghĩa tụ cư theo vạn chài lập thành Hộ Nam Nghĩa và ngôi đình có tên là đình Nam Nghĩa (3). Nhân dân làng Đức Thắng còn bảo quản một ngôi mộ cổ Tiền hiền Trần Chất và mộ của hai ông bà Hậu hiền Nguyễn Văn Tùng ở khu Suối Lỡ, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết. Bia mộ khắc chữ “Tiền triết chi mộ” và đôi câu đối chữ Hán, bản dịch: “Kính phục phong thái anh hùng, công đức ấy không chôn vùi dưới ba tấc đất/ Vì quê hương mà hy sinh, tinh thần đó sống mãi với dân chúng nơi đây” (4).

Tình người còn mãi

Ở La Gi – Hàm Tân, người Quảng Nam đến sinh sống khá sớm, di chuyển bằng đường biển, đến cửa sông Ma Ly, gặp nơi thuận lợi cho việc tàu thuyền vào ra, họ chọn làm nơi cư trú, khai hoang lập ấp, tức làng Tam Tân (xã Tân Tiến, thị xã La Gi ngày nay). Họ tin nơi đây là đất địa linh nhân kiệt. Nơi xuất hiện vợ chồng đạo sĩ Thầy Thím người Quảng Nam, bị nhà vua xét oan, nên phiêu bạt bay vào đây cư trú; nhân vật được huyền thoại hóa, có phép lạ, có công cứu giúp dân làng. Sau khi vợ chồng Thầy Thím qua đời, để tỏ lòng ơn nghĩa, họ xây đền thờ. Ngày nay là dinh Thầy Thím, một địa danh tâm linh thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham quan, cúng bái; được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Người Quảng Nam sinh sống khá tập trung ở xã Tam Tân. Ở đây cũng là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, lấy tên là chi bộ Tam Tân.(5) Theo ghi chép của Ngô Văn Tuấn, có thêm một làng người Quảng tập trung: “Làng tôi được lập cách nay gần 60 năm (1966), lúc đầu làng có trên 200 hộ dân, đa phần gốc Quảng Nam, đến từ các vùng di dân Huy Khiêm, Lạc Hà, Nghị Đức, Mê Pu… (thuộc huyện Đức Linh và Tánh Linh). Đầu làng, xưa có đồi sim tím, cuối làng có dòng suối Đó nên thơ. Tên làng cũng rất hiền hòa: Phước Bình. Ngày nay làng thuộc phường Tân An, thị xã La Gi”. Ở đây hình thành đời sống văn hóa, họ tổ chức Cúng Làng dịp cuối năm vào rạng sáng 25 tết. Cúng Làng không phải nơi nào cũng có, họ cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, làng quê bình yên, mọi người sức khỏe…(6)

Ở huyện Đức Linh, người Quảng Nam đến định cư khá tập trung ở Võ Xu, Mê Pu, Nam Chính, Sùng Nhơn... “Đức Tài là nơi hình thành cộng đồng dân cư sớm nhất của huyện Đức Linh. Trong đó, nhiều nhất là đồng bào từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam (…). Về văn hóa tâm linh, để ngợi ca những bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của người nơi đây, họ xây dựng địa chỉ tâm linh, như đình làng Võ Đắt; miếu Thuận An (khu phố 2); miếu Phú Thọ (khu phố 5); miếu Phú Thiện (khu phố 6) và Miếu Đông An (khu phố 7). Tất cả các đình, chùa, miếu đều xây dựng trước năm 1975 (7). Ở Sùng Nhơn, từ 1957 – 1960, dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi do dồn ép vào lập các khu dinh điền: ở Trà Tân có 1.500 người, Võ Đắt: 2.000 người, Võ Xu: 3.000 người... Đến đầu năm 1961, đồng bào ở các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đưa vào lập nên khu dinh điền Sùng Nhơn I có 3 thôn. Tháng 3/1963 đưa thêm 180 gia đình với 900 nhân khẩu vào lập nên Sùng Nhơn II, có 4 thôn.(8)

Ở huyện Tánh Linh. “Năm 1954, ngụy quyền miền Nam dồn dân lập ấp chiến lược, khu dinh điền. Những năm 1957, 1959, 1965, hàng vạn dân Quảng Nam, Quảng Ngãi bị dồn vào lập các dinh điền Huy Khiêm, Tề Lễ, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Gia An. Đồng bào Tánh Linh hiện nay đông nhất là Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Người bản địa xưa nay không nhiều”. Trong Truyền thống đấu tranh Cách mạng Tánh Linh, có dành những trang viết ca ngợi một người Quảng Nam có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống thực dân trên quê hương Tánh Linh, đó là Lê Văn Triều, ông giỏi võ thuật, có tài bắn súng, người thông minh, có trí nhớ thật kỳ lạ, lanh lợi, khôn khéo. Ngày 25/8/1945, đồng chí Nguyễn Gia Tú về Tánh Linh họp cùng Lê Văn Triều… bàn việc cướp chính quyền. Đồng chí Lê Văn Triều được bầu làm Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Tánh Linh. Tại Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, đồng chí Lê Văn Triều được bầu làm Tỉnh ủy viên. Năm 1954, tổ chức tập kết, Lê Văn Triều ở lại. Từ năm 1957, Lê Văn Triều làm Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Miền Tây phụ trách việc xây dựng củng cố căn cứ miền núi và mở phong trào lên Nam Tây nguyên.(9)

Về văn hóa ẩm thực, người Quảng Nam vẫn mang theo những món ăn quê nhà, như mì quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, mít non trộn, bánh ít lá gai, bánh xèo nấm mối, cá kho nghệ, bánh bèo... Đặc biệt món mì quảng, họ mở quán kinh doanh khắp nơi, từ các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, thị xã La Gi, đến thành phố Phan Thiết – có cả cao lầu Hội An… thu hút rất đông khách.

Với hạn hẹp của trang báo, không thể nói hết được hình ảnh những cuộc đời với bao nỗi niềm buồn vui, những khó khăn gian khổ, những hạnh phúc vinh quang, đặc biệt là những nét đẹp tình người, tình đời, tài hoa của những con người Quảng Nam trên quê hương Bình Thuận.

Nguồn: 1,2,4. Tìm về mấy nhịp cầu Quan…; 3. Soi bóng Cà Ty, ngước Động Thiềng… (Ghi chép Võ Ngọc Văn); 5. Phan Chính – La Gi đất xưa diện hải bối lâm, NXB Hội Nhà văn, 2017; 6. Ngô Văn Tuấn – Năm mươi năm và những cuộc mưu sinh của người làng Phước Bình!; 7. “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Đức Tài (1959 – 2015)”; 8. “Sùng Nhơn – Những chặng đường đấu tranh Cách mạng (11/1964 - 11/1994)”; 9. “Tánh Linh – Truyền thống đấu tranh cách mạng 1945 – 1975”.

VÕ NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xu-so-tinh-doi-128073.html