Khi tiềm năng được đánh thức
Những ngày tháng 7, cả nước bước vào sắp xếp lại địa giới hành chính; chuẩn bị hành trang để tiến vào vào kỷ nguyên mới. Trong niềm hân hoan đó, việc sáp nhập hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Thái Nguyên mới trở thành một sự kiện với những cảm xúc đa chiều trong mọi tầng lớp nhân dân.

Di tích lịch sử Khuôn Tát, xã Phú Đình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Kim Ngân
Với thế hệ U80 - U90 chúng tôi, những người từng có vài chục năm theo Đảng đều kỳ vọng về một không gian rộng mở, sự phong phú đa dạng về tài nguyên, khoáng sản, sự bền vững từ một nền văn hóa có cội nguồn lâu đời, đa sắc mầu của một Thái Nguyên mới.
Với một cơ sở vật chất được tạo ra từ công cuộc đổi mới, chúng ta đang từng bước có thêm nhiều điều kiện cần và đủ trên mọi phương diện để hiện thực hóa sự kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Trong bài viết này, chỉ xin có đôi điều về tiềm năng du lịch - một tiềm năng nổi trội của tỉnh Thái Nguyên mới.
Cách đây hơn 30 năm, tôi có dịp đồng hành với một nữ chuyên gia nông nghiệp người Ca-na-đa đến huyện Đồng Hỷ (cũ) làm việc, trên một chuyến đò dọc từ cầu Gia Bẩy lên xã Vân Lăng. Hơn ba tiến đồng hồi trên sông, nữ chuyên gia không hề nói gì về nông nghiệp, mà chỉ mê mải ngắm cảnh đẹp ven sông và liên tục đặt câu hỏi về dòng sông…
Tôi nói với người phiên dịch: Đáng ra bà ấy phải là một chuyên gia du lịch. Không biết phiên dịch nói gì, nhưng tôi thấy nữ chuyên gia cười thích thú và nói: Chuyên gia nào thì cũng là chuyên gia kinh tế. Rồi bà ấy khuyên: Các ông muốn làm giầu thì không thể bỏ qua du lịch, đây là thứ các ông có tiềm năng. Khi chia tay, vị nữ chuyên gia còn bảo: Cám ơn các ông đã giành cho tôi một tour du lịch sông nước thú vị.
Soi vào tỉnh mới của chúng ta thì tiềm năng này quả là phong phú. Chúng ta được tạo hóa ban tặng rất nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Ví như hồ Ba Bể, một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước, là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới, diện tích mặt nước khoảng 500ha, sâu từ 20m đến 30m. Có hai hòn đảo nhỏ nổi giữa hồ, một đảo có hình thù như một con ngựa gióng cương đang lội nước có tên An Mã, một đảo khác là đảo Bà Góa.
Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi, có nhiều hang động và suối ngầm khi ẩn, khi hiện. Hồ Ba Bề đang từng bước trở thành tâm điểm của du lịch vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có rất nhiều cảnh đẹp khác, như: Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng...
Đặc biệt hơn cả là Di tích khảo cổ học Thần Sa (thuộc huyện Võ Nhai cũ) với hang Phiêng Tung và hang Miệng Hổ. Với kết quả nghiên cứu di chỉ ở Thần Sa, các nhà khảo cổ học đã xác định có một nền văn hóa khảo cổ học Thần Sa thuộc thời đại đồ đá cũ, chủ nhân của nó là những người Homo sapiens (người tinh khôn).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn và Thái Nguyên là trung tâm của “Thủ đô gió ngàn” nên cả hai nơi có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng. Trên địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo nên sự đa dạng, độc đáo của mỗi địa phương, đang được lưu giữ như một di sản vô giá, từ kiến trúc nhà cửa, phong tục sinh hoạt đến tập quán sản xuất, quan hệ cộng đồng, làng bản.
Với những đặc điểm đó, tiềm năng du lịch của Thái Nguyên mới rất phong phú, đa dạng; nhất là du lịch trải nghiệm - đang là loại hình du lịch rất phát triển hiện nay.
Nếu ở lần sáp nhập để trở thành Bắc Thái trước, chúng ta thiếu nhiều điều kiện nên hiệu quả của sáp nhập lúc đó chỉ là một phép cộng chưa tròn, thì hiện tại chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng sau cuộc sáp nhập này Thái Nguyên sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.