Xứ Thanh – xứ sở của những truyền thuyết, huyền thoại

Xứ Thanh – vùng đất của lịch sử, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Từ buổi bình minh trên núi Đọ - bình minh của loài người, xứ Thanh vinh dự và tự hào là quê hương trống đồng Đông Sơn với nền văn hóa – văn minh rực rỡ, nơi lưu lại nhiều dấu ấn đặc sắc về thời đại Hùng Vương, là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, là cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Chính bởi cái danh giá ngàn năm ấy đã đúc kết, hình thành một kho tàng văn học dân gian đa dạng, đặc sắc. Trong đó, xứ Thanh được xem như là xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại.

Nét đẹp của núi Bàn A và Đại Hùng tự (thường gọi là chùa Vồm) trên địa bàn phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa gắn liền với hai nhân vật “khổng lồ” trong huyền thoại xứ Thanh là ông Vồm và ông Bưng.

Trong “Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh”, GS Ngô Đức Thịnh đã khái quát: “Thanh Hóa là vùng đất vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lịch sử”. Điều này đã để lại những dấu ấn sâu sắc không chỉ trên các trang sử được ghi chép qua các triều đại, qua các lễ nghi, phong tục, hội hè mà còn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác qua các câu chuyện kể dân gian, truyền thuyết, huyền thoại... Ở đó, các huyền thoại, truyền thuyết này vừa có nét tương đồng, gần gũi với các địa phương khác trên tinh thần kế thừa truyền thống, tinh hoa văn hóa Việt. Mặt khác, những huyền thoại, truyền thuyết ấy cũng mang đậm nét đặc trưng, tiêu biểu cho “hồn cốt” xứ Thanh.

Khi dày công xây dựng nên “Tuyển tập truyền thuyết Thanh Hóa”, nhóm tác giả Đào Huy Phụng – Lưu Đức Hạnh - Cao Sơn Hải – Trần Thị Liên – Hoàng Tuấn Công viết: “Ở xứ Thanh, hầu như mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi làng, bản, vùng đất đều gắn với một, hai hay ba truyền thuyết và trong mỗi truyền thuyết đều mang giá trị, ý nghĩa lịch sử sâu sắc”. Như vậy, cùng với sự chảy trôi của thời gian, biến thiên của lịch sử, những truyền thuyết, huyền thoại càng thêm hòa quyện, thấm sâu và tôn lên nét đẹp, giá trị, tỏa rạng sắc màu tâm linh của mỗi di tích, danh lam, thắng cảnh trên mảnh đất xứ Thanh này.

Ví như khi nhắc đến huyền thoại xứ Thanh, chẳng ai bảo ai, tâm trí mỗi người lại nhớ tới vùng đất biển Sầm Sơn xinh đẹp, đầy nắng gió. Về Sầm Sơn nghe biển thì thầm kể chuyện chàng Độc Cước xẻ thân mình giúp người dân đánh tan loài quỷ biển, bảo vệ bình yên cho xóm, làng, biển trời quê hương. Và trong lời hát của đá núi ngày hôm nay chẳng thể nào thiếu được khúc ca tình yêu nhuốm sắc màu huyền thoại - Hòn Trống Mái. Câu chuyện tình nghĩa phu thê son sắt, thủy chung của đôi vợ chồng nghèo sống chết có nhau trong cơn đại hồng thủy ở Sầm Sơn thuở nào khiến trời xanh cảm động, hóa phép cho họ thành đôi chim đêm ngày quấn quýt bên nhau nhưng đến kỳ hạn phải từ bỏ nhân gian cùng nhau bay về trời. Không nỡ rời xa xóm làng, một lòng gắn bó với núi non biển cả, đôi chim nguyện ý hóa đá để được ở lại cõi trần. Chiều theo ý nguyện của hai vợ chồng, thần tiên hóa phép họ thành đá, đời đời gối đầu vào nhau, trường tồn cùng tuế nguyệt.

Nương theo những câu chuyện cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết nổi tiếng của xứ Thanh, chúng ta ghé thăm vùng đất ven biển Nga Sơn – nơi có động Từ Thức (xã Nga Thiện) gắn liền với thiên tình sử giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương. Cũng trên vùng đất biển ấy, các thế hệ người dân tự bao đời nay vẫn say mê kể chuyện về chàng hoàng tử Mai An Tiêm vì làm phật ý vua cha nên bị đày ra một hoang đảo (thuộc huyện Nga Sơn ngày nay). Mặc cho cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự thông minh, sáng tạo, Mai An Tiêm đã từng bước thích nghi với nghịch cảnh, tìm ra hạt giống dưa hấu đỏ, chăm chỉ lao động sản xuất, gieo mầm sự sống trên vùng hoang đảo. Riêng đối với đất và người Nga Sơn, loài cây ấy không đơn thuần là hiệu quả, giá trị kinh tế mà còn là niềm tự hào, biết ơn sâu sắc đối với người con vua Hùng. Trải qua bao đời, Mai An Tiêm được người dân Nga Sơn thành kính thờ phụng. Hàng năm vào các ngày từ 12 đến 15 tháng ba âm lịch, Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn. Đây là lễ hội lớn nhất của huyện Nga Sơn nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Mai An Tiêm.

Không chỉ là một “Thanh Kỳ khả ái”, Thanh Hóa tự lâu đã được biết đến là nơi “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của các triều đại phong kiến, cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Vì lẽ ấy, hệ thống truyền thuyết, huyền thoại xứ Thanh có một khối lượng lớn xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của các vị anh hùng chống ngoại xâm, xây dựng các vương triều. Trong đó nổi bật nhất là truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là một pho truyền thuyết lịch sử của Nhân dân gồm nhiều truyện nhỏ, tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Nó không bị bó hẹp đối tượng tiếp nhận ở địa phương, không chỉ là sáng tác dân gian địa phương mà còn là bài ca dân gian chống ngoại xâm của đất nước, dân tộc.

Ngay từ khi sinh ra, cuộc đời của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã nhuốm màu sắc tâm linh. Quan niệm dân gian người Việt vẫn thường cho rằng: Những người anh hùng, hào kiệt, xuất chúng thường mang những nét dị tướng, khác với người bình thường. Có lẽ, xuất phát từ quan niệm ấy nên khi truyền thuyết hóa nhân vật lịch sử Lê Lợi, dân gian đã miêu tả về ông bằng tất cả sự yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ. Truyền thuyết kể rằng: Cuối đời Trần, ở làng Cham, Thanh Hóa có bà Trịnh Thị Thương vì kịp thời cứu chữa cho vợ sơn vương đang trong cơn đẻ khó thoát cơn nguy kịch mà được sơn vương tặng cho một cái ấn để đền ơn. Đeo ấn suốt 9 năm thì bà thụ thai và sinh ra người con trai út. Khi cậu con trai út chào đời, ánh sáng đỏ đầy nhà, hương thơm bay khắp làng. Thuở nhỏ, cậu bé đã “tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh nghiêm nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, vai trái có bảy nốt ruồi”. Tuổi trưởng thành “đi như rồng, ngồi như hổ, giọng nói như tiếng chuông lớn ngân vang, thông minh trí dũng vượt hẳn người thường, làm phụ đạo sách Khả Lam”. Người đó chính là Lê Lợi.

Lê Lợi sinh ra đã mang số phận đặc biệt, là người phải gánh vác mệnh trời. Điều này được thể hiện sâu sắc trong mô típ trao gươm và trả gươm thần độc đáo. Hai chữ “thuận thiên” được khắc trên lưỡi gươm bỗng rực sáng khi gặp Lê Lợi đã cho thấy tính chính nghĩa, sự ủng hộ của ý trời – lòng dân đối với cuộc khởi nghĩa. Câu nói của Lê Thận – người vớt được lưỡi gươm và trao nó cho Lê Lợi: “Như vậy là trời phó thác cho ông làm việc lớn, xin ông sớm phất cao cờ nghĩa. Lũ chúng tôi nguyện một lòng phò tá để cứu nước, cứu nhà” cũng chính là tấm lòng mà dân gian muốn tỏ bày cùng Lê Lợi.

Nhờ sự giúp sức của gươm thần, sau đại thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, lập nên vương triều Hậu Lê. Một hôm, vua Lê Thái tổ đi duyệt thủy quân ở hồ Tả Vọng bỗng thấy sóng gió ào ào, rồi một con rùa lớn nổi lên, nói vâng lệnh đức Lạc Long Quân lấy lại gươm báu. Vua hoàn trả gươm cho rùa vàng. Hồ Tả Vọng từ đấy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mở đầu bằng việc “trao gươm”, kết thúc bằng việc “trả gươm” quả là sáng tạo tài tình, tinh tế của dân gian, nhất là việc để cho Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hóa mà lại trả gươm ở Thăng Long. Điều đó cho thấy rất rõ ràng, những biến chuyển gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vị vua này. Hai địa điểm, hai hoàn cảnh ấy cũng chính là hai sứ mệnh cao cả mà ông phải gách vác: sứ mệnh dẹp giặc cứu nước, cứu dân và sứ mệnh của một người làm vua trị vì giang sơn, xã tắc. Cái thâm sâu của trí tuệ dân gian nằm ở chỗ đó. Cái hay, sức hấp dẫn của văn học dân gian cũng vì thế mà nên.

Bàn về văn học dân gian nói chung là nói đến niềm tin, khát vọng của Nhân dân được gửi gắm qua những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại nhuốm màu sắc tâm linh, huyền ảo, đúng như GS Ngô Đức Thịnh đã từng sâu sắc nhận định: “Có lẽ xuất phát là từ hệ thống thần thoại, huyền thoại của Thanh Hóa phản ánh hệ ý thức của con người trên các phương diện khai phá đất đai hình thành quê hương xứ sở, về đấu tranh khắc phục những lực lượng cản trở của thiên nhiên, khẳng định sức mạnh của con người, đấu tranh chống ngoại xâm, khai phá đất đai, sáng tạo nghề nghiệp, khẳng định cương vực...”. Hơn hết, thông qua những câu truyện ấy, dân gian muốn giáo dục con cháu sau này phải biết hướng đến giá trị sống tốt đẹp, hướng đến cái chân – thiện – mỹ và khắc ghi trong lòng tình cảm yêu thương, trân trọng, tri ân sâu sắc đến công lao to lớn của các thế hệ cha ông.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/xu-thanh--xu-so-cua-nhung-truyen-thuyet-huyen-thoai/136489.htm