Xu thế toàn cầu mới của chuỗi giá trị
Thế giới hội nhập kinh tế ngày nay đang thay đổi nhanh chóng đem lại cho doanh nghiệp cả những cơ hội và thách thức trong 3 xu hướng mới quan trọng tác động đến chuỗi giá trị sản phẩm.
Việc chia nhỏ quy trình sản xuất ở cấp độ toàn cầu mang lại những cơ hội mới cho sự hội nhập giữa các nền kinh tế giàu và nghèo, với những lợi ích tiềm năng cho mỗi bên.
Gia tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu
Chuỗi giá trị toàn cầu với sự hỗ trợ của công nghệ số đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển vì chúng giúp họ dễ dàng đa dạng hóa từ hàng hóa sang hàng hóa và dịch vụ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Bằng cách chia nhỏ quy trình sản xuất để có thể thực hiện các bước khác nhau ở các quốc gia khác nhau thay vì một quốc gia phải làm chủ việc sản xuất toàn bộ sản phẩm sản xuất để xuất khẩu.
Với chuỗi giá trị, một quốc gia có thể chuyên môn hóa một hoặc một số hoạt động mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Việc tách sản xuất bắt đầu ở các nền kinh tế tiên tiến để đối phó với cạnh tranh và giảm chi phí hậu cần, sau đó lan ra toàn cầu khi các nền kinh tế lớn đang phát triển mở cửa. Mặc dù vậy, chuỗi giá trị toàn cầu cũng đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có quy mô kinh tế lớn. Đây cũng là thách thức chủ yếu hiện nay đối với các doanh nghiệp ở các nước có môi trường huy động vốn còn nhiều bất cập.
Chiến lược doanh nghiệp thay đổi
Tập trung vào phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm (xem hình trên) như Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (A), thiết kế sản phẩm (B), marketing (E - thương hiệu, giá cả, bán hàng...), và dịch vụ sau bán hàng (F). Các phân khúc như sản xuất (C) và lắp ráp (D) có giá trị gia tăng thấp hơn.
Chính vì vậy, với bối cảnh chuỗi giá trị sản phẩm đã kéo dài và mở rộng khắp toàn cầu trong quá trình hội nhập thì các công ty đa quốc gia có xu hướng thuê lại (outsourcing) các phân khúc C và D cho các nước đang phát triển. Và đây cũng là cơ hội cho các nước đang phát triển có thể thu hút đầu tư, phát triển đối tác nhằm nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh trong chiến lược ngắn hạn và trung hạn.
Mặc dù vậy, trong chiến lược dài hạn, các nước đang phát triển và các doanh nghiệp cũng cần thiết phát triển và mở rộng tham gia vào các phân khúc A, B, E, F nhằm nâng cao hiệu quả. Trước mắt cần phải đột phá trong phân khúc E - marketing (giá cả, bán hàng...) thông qua việc phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình vì thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm công nghệ cao và ở quốc gia có thị trường tài chính phát triển.
Cơ hội phát triển thương hiệu
Chuỗi giá trị toàn cầu và phân khúc giá trị gia tăng đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp ở các quốc gia vốn chỉ là công xưởng sản xuất và lắp ghép có thể vươn lên các chuỗi giá trị cao hơn như xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Trên thế giới, các nhà kinh tế học đều cho rằng, thương hiệu phục vụ một chức năng kinh tế quan trọng để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và định hướng tổng cầu. Lịch sử cũng cho thấy quyết định loại bỏ tất cả các nhãn hiệu trên hàng hóa được sản xuất tại Liên Xô ngay sau cuộc cách mạng tháng mười năm 1917 đã góp phần gây ra nền sản xuất trì trệ và tụt hậu thời Xô Viết…
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển thương hiệu để tạo giá trị gia tăng các sản phẩm công nghệ cao trên danh nghĩa (mặc dù vai trò của nước này chủ yếu là công xưởng sản xuất và lắp ráp) như thương hiệu phi cơ chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc mới sản xuất (hầu hết bộ phận được sử dụng cho C919 đều được nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh) và lần đầu tiên bay thương mại vào cuối tháng 5/2023.
Ở nước ta, lịch sử việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Việt có nhiều bước thăng trầm. Nền công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam với những thương hiệu trước năm 1975 (Xà-bông (savon) cô Ba, xe hơi La Đalat, kem đánh răng Dạ Lan, bia Trúc Bạch, mỹ phẩm Thorakao…) đã từng là niềm tự hào của dân Việt và cùng với sự biến chuyển của nền kinh tế đất nước sau gần 50 năm thống nhất, có thương hiệu vẫn duy trì đến hôm nay, có thương hiệu một thời “biến mất”, và có thương hiệu dường như đang “ngủ quên”…
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp có trên 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó có trên 22 nghìn doanh nghiệp FDI và gần 900 DNNN. Cùng với chính sách đổi mới hướng tới nền kinh kinh tế thị trường của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt đã từng bước xây dựng được những thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực sản xuất như điện tử, ô tô, nông sản, đa giày, dệt may… nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm không chỉ ở cấp độ trong nước mà cả ở cấp độ toàn cầu.
Đặc biệt, các DNNN mặc dù là những doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất ra các sản phẩm phục vụ xã hội dường như cũng ngủ quên trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu do vấn đề sở hữu, độc quyền, tư duy nhiệm kỳ… Tất cả những điều đó dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân cũng như sự cạnh tranh quốc gia. Sự phát triển và liên tục đổi mới thể chế cấu trúc doanh nghiệp là một nội dung rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như góp phần hội nhập kinh tế hiệu quả.
Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII yêu cầu phải: "Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xu-the-toan-cau-moi-cua-chuoi-gia-tri-687464.html