Xử trí những trục trặc sức khỏe trong kỳ nghỉ

Tết Nguyên đán là dịp các gia đình quây quần bên nhau bên những mâm cỗ Tết đầm ấm.

Không chỉ ăn ở nhà mình; sang nhà họ hàng, bạn bè việc ngồi xuống ăn vài miếng là chuyện không thể tránh khỏi. Việc nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ăn cùng lúc, cũng như ăn những đồ ăn có nguồn gốc khác nhau sẽ khiến cơ thể dễ gặp phải một số bệnh.

Một vài trục trặc có thể xảy ra dịp Tết.

Một vài trục trặc có thể xảy ra dịp Tết.

Các bệnh dễ mắc phải trong dịp Tết và cách xử trí

Đầy hơi khó chịu

Tết gắn liền với mâm cao cỗ đầy, thịt nguội, bánh chưng, dưa hành củ kiệu... Những bữa ăn này rất “nặng” về số lượng và “lạ” về chất lượng. Nặng là một bữa ăn rất nhiều món, nhiều thịt mỡ, nhiều calories. Nặng còn do dồn dập, bữa trước chưa qua bữa sau đã đến. Nhiều khi đến nhà bà con bạn bè dù đã no nhưng vì nể tình lại phải cố ăn.

Duy trì những bữa ăn như thế này suốt dịp Tết là nguyên nhân gây nên tình trạng đầy bụng, khó chịu. Để tránh hiện tượng đầy hơi, sôi bụng, khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng, tránh nói chuyện nhiều trong khi ăn. Điều này giúp chúng ta không phải nuốt một lượng khí đáng kể trong khi ăn. Chúng ta nên bớt uống nước khoáng, thức uống có gas, nếu có thói quen nhai kẹo cao su, cần phải bỏ. Chỉ ăn đậu đã loại bỏ vỏ và giảm ăn các loại rau sản sinh nhiều khí.

Ngoài ra, cũng có nhiều thực phẩm giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Khi bị đầy hơi, bạn nên ăn sữa chua, vì chúng rất tốt cho tiêu hóa. Húng tây, thì là bẹ, quế... là những loại gia vị không chỉ mang lại hương thơm cho các món ăn, chúng còn giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt trở lại khi bị đầy hơi. Hơn nữa, những loại gia vị này còn giúp phòng bệnh đầy hơi.

Cảm lạnh

Do Tết là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi và mọi người di chuyển nhiều từ vùng này sang vùng khác, nhiều nơi có nhiệt độ, khí hậu khác nhau. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng của cảm lạnh là da nhợt nhạt, người lạnh, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ, có thể có rét run, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Có trường hợp đột ngột ớn lạnh, đau quặn bụng, buồn nôn và nôn, sau đó đi ngoài ra nước nhiều, không cầm, dân gian gọi là cảm tả. Nếu bị nhiễm lạnh do mưa, người bệnh thường thấy đầu nhức ê ẩm, khó chịu.

Khi phát hiện người bị cảm lạnh, ta cần đưa ngay vào chỗ ấm, không có gió lùa, thoáng khí, đắp chăn chống lạnh, xoa dầu nóng khắp người, có khi còn phải đốt lửa để sưởi ấm. Sau đó, cần nhanh chóng lấy củ gừng tươi cạo sạch vỏ, giã nát, vắt lấy nước, hòa nước sôi và ít đường cho uống nóng, lấy bã xào với rượu mạnh xoa khắp người rồi đắp chăn chống lạnh, theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp thường xuyên. Khi thấy môi hồng, người nóng lên là khỏi.

Tiêu chảy

Trong dịp tết, tiêu chảy là vấn đề dễ mắc, nhất là trẻ em. Bệnh nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn vào trong cơ thể nhiều hay ít. Biểu hiện đầu tiên là người bệnh đi ngoài liên tục, mất nước, có thể bị sốt nhẹ, nhưng chưa tới mức báo động. Bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với các biểu hiện cơ thể suy kiệt, mắt trũng, nôn mửa... Nếu bệnh nặng có thể dẫn tới suy tim, tử vong. Khi bị tiêu chảy cần bù nước và điện giải bằng cách dùng oresol pha trong 1 lít nước. Nếu không có oresol thì dùng nước cháo muối. Điều lưu ý, khi điều trị tiêu chảy, ngoài bù nước, điện giải và thuốc men còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp. Người bệnh bị tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém do vậy thức ăn cần chế biến kỹ, nấu nhuyễn dễ tiêu hóa hợp khẩu vị, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Không kiêng khem quá mức. Khi có biểu hiện mất nước nặng như: mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo thì cần tới ngay cơ sở y tế để được điều trị.

Bong gân, trật khớp

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, bớt vận động, chườm đá giảm đau, dùng băng thun quấn nhẹ nhàng và kê cao vùng bị tổn thương để giảm sưng. Để giảm đau và sưng phù, nên dùng thuốc xịt giảm đau và các túi chườm lạnh nhanh. Bạn có thể lấy đá lạnh cho vào túi nilon rồi dùng khăn bọc lại chườm để tránh tê cóng.

Trong 24 giờ đầu, nên chườm đá khoảng 3 lần, mỗi lần từ 20-30 phút. Đặc biệt là không thoa dầu nóng hoặc dùng nhiệt trong 24 giờ đầu vì có thể làm sưng, bầm nhiều hơn.

Nếu sau khi té ngã không thể đứng dậy được, đau nhiều cần bình tĩnh gọi cấp cứu để được hỗ trợ y tế ngay.

Xử trí hóc dị vật

Kẹo, hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương là những món ăn vặt được nhiều gia đình Việt dùng trong dịp lễ Tết. Trẻ dễ bị sặc, hóc các nếu không biết cách ăn, ăn vội vàng hoặc cười đùa khi ăn. Việc xử trí dị vật đường thở phải thực hiện thật khẩn trương nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich.

Trường hợp trẻ còn tỉnh, để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6-10 lần.

Trường hợp hôn mê, bất tỉnh, đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.

BS. Nguyễn Quốc Huy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-nhung-truc-trac-suc-khoe-trong-ky-nghi-n167972.html