Xứ Tuyên tươi đẹp trong văn học thời trung đại

Di sản văn học trung đại Tuyên Quang không tách rời di sản văn học trung đại của cả nước, đồng thời mang những diện mạo riêng. Phong phú về thể loại, văn học Trung đại Tuyên Quang đã khắc họa xứ Tuyên với thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và những quan niệm về vận nước, lòng dân khá rõ.

Thiên nhiên tươi đẹp

Có thể thấy rõ thiên nhiên Tuyên Quang hiện lên vô cùng tươi đẹp qua các tác phẩm có giá trị về lịch sử văn hóa như văn bia chùa Bảo Ninh Sùng phúc, văn bia chùa Hương Nghiêm, văn bia chùa An Vinh; các sắc phong, đề từ các đền...

Chùa Hương Nghiêm, xã An Khang, TP Tuyên Quang có tấm bia cổ với nhiều áng văn về cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Chùa Hương Nghiêm, xã An Khang, TP Tuyên Quang có tấm bia cổ với nhiều áng văn về cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Trong bài Minh ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc , Lý Thừa Ân ca ngợi vẻ đẹp thanh khiết và huyền ảo của không gian xứ Tuyên: “Đất quang không bụi/ sương núi lan đầy”, “Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng, xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh, Tam ma địa gần gũi; tượng vàng đặt giữa. Ngũ tịnh thiên khác nào Trầm hương nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động. Hoa thông xanh tốt, chiếm mãi gió từ, cờ phướn quy y, bỏ xa nhà lửa...”.

Tại Chùa Hương Nghiêm, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang có bài văn bia từ thế kỷ 16 do Đại phu Ngô Hoằng và Đỗ Bá Chiêu viết. Nội dung văn bia cho thấy một xứ Tuyên thời kỳ ấy rất yên bình, rực rỡ: “Cả huyện Cảo Sùng đều là núi, giữa huyện có một gò núi hơi thấp, nhưng là trung tâm gọi là núi Hương Nham. Trong núi có hang nhũ, đã lâu đời rồi, đó là động Hương Nham. Trước động, có dòng nước uốn quanh như rồng cuộn gọi là Vị giang. Sau động, xe ngựa tấp nập trên đường, đó là đường cái quan. Phía tây động nhà xây san sát, đó là nha môn Đô đường; phía bắc động, tường vây trùng điệp, đó là trụ sở Hiến ty vậy. Giữa động, hương bay ngút trời, ấy là cung Phật vậy”.

Nguyễn Hàng, một bậc danh bút thời cuối Lê, đầu Mạc, trong Đại đồng phong cảnh phú đã viết lên những câu rất tươi xanh về xứ Tuyên Quang xưa. Đó là vùng sơn dã có cây cỏ, hoa lá tốt tươi, có cuộc sống phồn vinh sầm uất: “Xem chưng: Được khí thiêng liêng; nhiều nơi thanh lạ. Non Xuân Sơn cao thấp chầu tây; sông Lôi Thủy quanh co nhiễu tả. Ngàn tây che cánh phượng, dựng thưở hư không; thành nước uốn đầu rồng, dài cùng là đá. Đùn đùn non Yên Ngựa, mấy trượng cao khoe thế kim thang; tho thó thác Con Voi, chín khúc uốn bền hình quan tỏa”.

Tại chùa An Vinh , phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang có bài sấm truyền vẫn lưu trên tấm bia cổ cũng cho thấy một vị thế thiên nhiên Tuyên Quang tươi đẹp và linh thiêng huyền bí “Tình quê lai láng suốt ngày vui”.

Trong bài từ ở đền Hạ, Tuyên Quang cũng được miêu tả như một bức tranh sơn thủy hữu tình “Phía trước là dòng sông Lô/Phía sau là dãy núi Là tôn nghiêm”.

Thần phả đền Ông ở Bắc Mục, Hàm Yên cũng được viết như một bức tranh về danh lam có núi sông tươi đẹp “Đây là xứ sơn kỳ thủy tú, vạn vật tốt tươi, mặt người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quý tiềm tàng, sơn hào vô tận, không thứ gì là không có nhờ khí hạo nhiên”. Bài từ được kết lại ở câu thơ “Bên này là dải sông sâu/Bên kia ruộng lúa nương dâu mượt mà”.

Tinh thần gắn kết cộng đồng, ý thức dân tộc

Vấn đề đoàn kết toàn dân để làm nên sức mạnh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước đã trở thành truyền thống lâu đời của các dân tộc Tuyên Quang.

Trong những dòng bi ký cách đây 900 năm trước, Văn bia chùa Bảo Ninh sùng phúc còn ghi lại tinh thần đoàn kết chống xâm lăng của cộng đồng các dân tộc thiểu số từ thời đại nhà lý cùng mối quan hệ gắn bó giữa vua với các vị thủ lĩnh làm nên sức mạnh giữ yên bờ cõi. Trong đó có đoạn “49 động/đã 15 đời/bảo toàn sông núi/thương người phù trợ/lòng thành không tối/gốc Thiện mất sao? (Trần Mạnh Tiến dịch).

Thiền sư Lê Mạnh Thát bên tấm bia cổ tại đền Hạ, TP Tuyên Quang tháng 12-2023.

Thiền sư Lê Mạnh Thát bên tấm bia cổ tại đền Hạ, TP Tuyên Quang tháng 12-2023.

Trong thần phả phép tế lễ ở bản Minh Cầm xưa, Ngọc phả đình sở xã Thọ Vực đều gắn với truyền thuyết truyện đẻ trăm trứng, khẳng định nguồn gốc hình thành các dân tộc Việt Nam từ mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, khẳng định các dân tộc trên lãnh thổ Việt đều là con cháu Hùng Vương.

Bài từ ở đền Ông (Hàm Yên) có câu “nhân sinh hữu bản địa hữu linh” nghĩa là “đất có thần linh người có gốc”, khẳng định giá trị cội nguồn.

Các văn bản để lại đều cho thấy đoàn kết toàn dân để làm nên sức mạnh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước đã trở thành truyền thống lâu đời của các dân tộc Tuyên Quang.

Đặng Xuân Bảng trong “Tuyên Quang tỉnh phú” cũng đã viết “mới đây Quốc triều ta ơn sâu nhân dày đạo ngay lễ trọng, như mặt trời soi khắp nhân gian, như quả đất bao dung muôn vật, đưa dân ta lên đài xuân cõi thọ, đặt con đỏ vào nơi chăn chiếu ấm êm... Nay hoàng thượng ta thường để ý tới việc biên cương, vỗ về các địa phương của cả nước...”.

Bài từ đền Hạ nêu triết lý “vận nước ở lòng dân”. Câu đối chùa An Vinh viết “nước nhà có núi sông bền vững”. Câu đối Thành Tuyên “An Biên muôn thủa lưu vàng ngọc/Thành Tuyên mãi mãi chắn Thăng Long” vừa khẳng định tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên vừa khẳng định vị thế chiến lược quốc phòng của xứ Tuyên.

Trong văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Lý Thừa Ân ca ngợi mối quan hệ mật thiết giữa triều đình với tộc họ Hà và các vị thủ lĩnh Châu Vị Long. Việc kết giao huynh đệ, tình phụ tử giữa nhà vua với dân nói lên vẻ đẹp tinh thần của cha ông trong quá khứ; cũng nói lên sách lược giữ nước của vương triều nhà Lý.

Tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng thể hiện lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào sức mạnh của nòi giống tổ tiên. Điều đó cũng nói lên mối quan hệ ràng buộc giữa trung ương và địa phương trên mảnh đất vùng phên dậu trong tiến trình lịch sử phản ánh sách lược giữ nước khéo léo của cha ông xưa.

Các tác phẩm văn học trung đại xứ Tuyên đã thể hiện cách nhìn của người xưa về một dân tộc thống nhất trong đó nhân dân là lực lượng quyết định sự sống còn của quốc gia dân tộc.

Có thể thấy, trên mảnh đất Tuyên Quang từ xa xưa đã có những danh nhân ẩn sĩ giữ gìn tiết tháo về làm bạn với cỏ cây hoa lá chim muông, với người dân lao động. Vẻ đẹp của đất và người xứ Tuyên đã trở thành nguồn cảm hứng cho họ, làm nên những vần thơ, câu phú để lại cho hậu thế muôn đời ngưỡng vọng.

Hải Khánh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xu-tuyen-tuoi-dep-trong-van-hoc-thoi-trung-dai-201163.html