Xuân đất trời
Gió xuân lay động, muôn hoa cỏ xôn xao trỗi nhịp sống uyên nguyên. Sương đọng chồi non, mai phô vẻ đẹp tinh khôi. Người ngồi giữa một sớm xuân nồng, chợt nghe hòa điệu giữa thênh thang khúc tâm xuân tao nhã của đất trời. Nắng ấm, muôn hoa khoe sắc thắm, cảnh vật xinh tươi, lòng người phấn phát.
Mùa xuân đất trời đã làm cho thân xác và tâm hồn chúng ta tươi mát. Nhưng dẫu mùa xuân nhân gian có tươi đẹp nồng ấm, nếu tâm chúng ta đầy ắp tham sân si phiền não thì cũng không thể thưởng thức được hương vị cuộc sống nhiệm mầu. Vì vậy, người thiền sinh công phu thiền tập biết thưởng thức mùa xuân của tâm hồn. Xuân đến xuân đi, nhưng đối với nhà Thiền vẫn chỉ là cội xuân ấy, tươi nhuận trong từng khoảnh khắc, tùy đến tùy đi, thung dung tĩnh tại.
Xuân qua ánh nhìn của các thiền sư thật tuyệt mỹ tinh khôi. Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn đời Tống diễn tả mùa xuân của ngài như sau:
Ngày xuân, xuân trong núi
Việc xuân thảy đều xuân.
Hồ xuân ánh xuân chiếu
Khí xuân kết mây xuân.
Khách xuân lòng xuân động
Thi xuân, xuân càng tươi.
Chỉ có người biết xuân
Muôn kiếp một mùa xuân.
Quả là một mùa xuân sung mãn, hiện diện khắp mọi nơi, từ cảnh vật bên ngoài đến tận đáy sâu tâm thức. Thiền sư tu trên núi, thấy ánh nắng ấm áp chiếu trên mặt hồ xanh biếc, không khí trong lành thoang thoảng hương hoa, vài cụm mây trắng bồng bềnh trôi trên bầu trời thênh thang… Ngài biết mùa xuân đất trời đang đến. Người đời trước cảnh xuân, ai cũng thấy lòng rộn rã theo sự đổi mới của thiên nhiên, tươi trẻ theo sắc màu lộng lẫy của ngàn hoa, tưng bừng theo tiếng chim líu lo trên cành.
Tâm hồn người biết đạo cũng chan hòa với vạn vật, nhưng các ngài thật sự sống với chúa xuân, thưởng thức xuân đời bằng tâm xuân, nên muôn kiếp vẫn chỉ một mùa xuân ấy. Khi ngắm cảnh mà có ý thức phân biệt ta là người ngắm, cảnh là đối tượng được ngắm, thì người thưởng xuân chỉ là khách. Nhưng khi tâm xuân thưởng ngoạn xuân đời, thì tất cả đã hòa quyện thành một thể nhất như - chúa xuân hiển hiện rõ ràng, luôn luôn có mặt.
Khi vua Lý Thái Tông vào núi thăm Thiền sư Thiền Lão, vua hỏi:
- Hòa thượng ở núi này bao lâu?
Thiền sư trả lời bằng hai câu kệ:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu.
(Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì).
Người đời luôn bận rộn với biết bao ý nghĩ, hết suy tính chuyện tương lai đến hoài niệm về quá khứ. Thiền sư thì không thế, các ngài luôn an trú vững chãi trong giây phút hiện tại, chánh niệm tỉnh giác trên từng biến động của thân, từng thay đổi của tâm và chuyển dời của cảnh. Thân tâm cảnh vô thường chi phối, song các ngài vẫn viên mãn trong sát-na hiện tiền bất động. Vì sao được như thế? Bởi vì:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.
(Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân).
Trực nhận và hằng sống với tánh giác chân thường, thì mọi vật hữu tình hay vô tình đều nằm trong ánh giác, đều hiển hiện pháp thân thường trụ. Có phải đây là khoảnh khắc thiên thu mà “Tình dữ vô tình tề thành Phật đạo?”. Chạm mắt tức Bồ-đề, Ta-bà thành Tịnh độ, tất cả pháp thế gian chẳng phải là pháp Phật đó sao?
Trực nhận và hằng sống với tánh giác chân thường, thì mọi vật hữu tình hay vô tình đều nằm trong ánh giác, đều hiển hiện pháp thân thường trụ. Có phải đây là khoảnh khắc thiên thu mà “Tình dữ vô tình tề thành Phật đạo?”. Chạm mắt tức Bồ-đề, Ta-bà thành Tịnh độ, tất cả pháp thế gian chẳng phải là pháp Phật đó sao?
Đối với những bậc liễu đạo, tất cả pháp đều là pháp Phật vì các ngài đã thẩm thấu tinh thần bất nhị - tư tưởng vút cao của Phật môn. Trong thường tục mà siêu tục, trong khổ đau mà hạnh phúc, trong ràng buộc mà thênh thang giải thoát. Không thể tìm hạnh phúc chân chính, tìm giải thoát tuyệt đối ở ngoài chốn đau khổ ràng buộc, cũng như tìm chúa xuân không phải chờ mùa đông đi qua.
Bởi vì chúa xuân luôn có mặt, sự an lạc xuất thế gian vẫn được hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường, khi vẫn hay biết rõ ràng mà không còn khởi niệm phân biệt nhị biên. Đến đây thì “Thênh thang bầu trời rộng, đứng riêng trong mù tột”. Như Thiền sư Tuyết Đậu ngắm cảnh xuân về trên núi, thấy cây xanh trùng điệp, nước hồ lóng lánh, trời xanh bát ngát. Tâm ngài chan hòa cùng muôn tượng mà vẫn đứng riêng trong mù tột, ngay trong cảnh thế gian mà vẫn an vị nơi xuất thế. Từ đó, chúng ta thấm thía hai câu kệ thường được nhắc đến trong nhà Thiền:
Bóng trúc quét sân trần chẳng động,
Vầng trăng xuyên biển nước không chao.
Trong thế giới hữu vi, các thiền sư vẫn sinh hoạt, vẫn thi thiết nhiều phương tiện độ sanh. Nhưng dù việc gì, ở đâu, các ngài vẫn luôn an trú ở vô vi, như bóng trúc quét sân không làm bụi bay, vầng trăng chiếu bóng xuống biển không làm nước chao động. Như thế, xuất trần là ở trong trần mà không vướng nhiễm bụi trần, xuất thế gian là vẫn ở trong thế gian mà không bị phiền lụy bởi cuộc sống thế gian. Hình ảnh ông già tay cầm bầu rượu, tay xách cá chép - bức tranh cuối cùng trong mười bức tranh chăn trâu Thiền tông - là hình ảnh tuyệt đẹp của những bậc Giác ngộ đi vào cuộc đời, tùy duyên hóa độ muôn loài mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ.
Biết rõ thân tâm cảnh đều không thật, thiền sinh có thể an nhẫn và bình tĩnh ứng phó trước sự thuận nghịch của hoàn cảnh và sự đổi thay của nhân tình. Tám gió là thước đo định lực của người tu: lợi lộc, tổn hao, phỉ báng, khen ngợi, ca tụng, nói xấu, cảnh khổ, niềm vui. Đối với người này, tám hoàn cảnh trên như những trận bão; với người khác như ngọn gió mạnh; với người tu khá hơn thì chỉ như cơn gió hiu hiu. Đến lúc nào đó, trước tám gió mà ta vẫn bất động an nhiên, tự biết công phu tu tập đã tiến một bước dài.
Người xưa có câu:
Tự xét mình miễn là không thẹn
Thị phi miệng thế có ngại gì.
Cái chấp nhị biên là tập khí cố hữu của con người: ưa thiện ghét ác, khen tốt chê xấu… đưa đến thị phi nhân ngã - đầu mối của sự tranh chấp bất hòa làm tổn thương cho mình cho người. Đời sống thiền tập giúp người tu luôn xoay lại chính mình, sống với những thời khắc hồn nhiên xứng tánh, siêu vượt giới hạn của phân biệt nhị biên. Sự hồn nhiên của các thiền sư biểu hiện qua đạo phong hàng ngày, tiếp cảnh mà không duyên theo cảnh, sống giữa các pháp mà không làm bạn với pháp nào.
Ví như cây mọc trên đất màu mỡ, thường mau lớn và mau ra hoa kết trái, nhưng lại dễ đổ ngã khi gặp trận cuồng phong. Còn cây mọc nơi đất đá cằn cỗi, tuy chậm phát triển nhưng khi đã đủ mạnh, lõi cây thường cứng và vững chãi hơn rất nhiều. Cho nên, người tu chúng ta không sợ thất bại mà nên tỉnh giác trước thành công; và khi định lực tăng tiến, ta siêu vượt những niềm đau nỗi khổ cùng những niềm vui mừng của thế tục.
Mặt khác, chúng ta cần cảnh giác với những thuận duyên, vì lửa nóng dễ tránh mà nước mát lại thường làm chết chìm. Hoàn cảnh luôn xuôi thuận, làm việc gì cũng thành công, được nhiều người ca tụng, khen ngợi… thường làm con người sinh tâm kiêu mạn, từ đó đường tu đi xuống mà không biết. Ngược lại, nghịch cảnh giúp ta thức tỉnh, cảm nhận sự bất toàn của cuộc sống nên bớt đắm luyến dục lạc thế gian. Gặp nhiều gian nan trở ngại, ta có cơ hội nuôi dưỡng ý chí kiên cường, cố gắng vượt qua sóng to gió lớn.
Ví như cây mọc trên đất màu mỡ, thường mau lớn và mau ra hoa kết trái, nhưng lại dễ đổ ngã khi gặp trận cuồng phong. Còn cây mọc nơi đất đá cằn cỗi, tuy chậm phát triển nhưng khi đã đủ mạnh, lõi cây thường cứng và vững chãi hơn rất nhiều. Cho nên, người tu chúng ta không sợ thất bại mà nên tỉnh giác trước thành công; và khi định lực tăng tiến, ta siêu vượt những niềm đau nỗi khổ cùng những niềm vui mừng của thế tục. Tuy tập khí vẫn còn và đôi lúc vẫn bùng lên mãnh liệt, nhưng nhờ công phu thiền tập, ta có sức kham nhẫn tự chủ, không bị lạc vào lối rẽ đường mê.
Thiền sư Vạn Hạnh từng dạy:
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Nếu chúng ta dính mắc vào đời suy thịnh, ta cứ mãi làm khách phong trần, lang thang vĩnh kiếp trong lộ trình sinh tử. Nếu biết thịnh suy vinh nhục chỉ như giọt sương trên cành cây ngọn cỏ, hư dối không thật, ta có thể an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh. Tự thân công phu theo Chánh pháp, nếm mùi pháp hỷ thiền duyệt, ngay nơi bất an mà biểu hiện tự do, ngay chỗ ồn ào xáo động mà sống trong sát-na bất động. Khi biết được mình là ai, đời tu của ta tăng tiến rất nhanh mà không sợ lạc lầm. Tất cả các pháp luôn chuyển biến theo tiến trình nhân quả, bốn mùa đắp đổi theo nhau, nhưng ngay trong lòng sự biến chuyển đó, vẫn có một cành hoa xuân mãi không bao giờ tàn rụng.
Thiền sinh chúng ta là những người diễm phúc, hưởng được xuân đời và cả xuân đạo. Trời đất như quán trọ, chúng sanh lên xuống ba cõi như khách qua đường, có khi tạm nghỉ chân giây lát rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thiên lý. Nguyên nhân chỉ do điên đảo chấp thân tâm mình là thật, chấp cảnh bên ngoài là thật nên quay cuồng theo chúng mà tạo nghiệp sinh tử.
Nếu biết tất cả những biến đổi của thân tâm cảnh đều là khách, con người chứng kiến mọi biến đổi ấy, người không hình tướng luôn hiện diện vượt thời-không mới là con người chân thật, chúng ta an thân lập mệnh vững chắc đời đời. Khi ấy, ta mới thật sự hưởng một mùa xuân bất diệt. Cầu chúc tất cả chúng ta đều biết cách quay gót trở về quê nhà muôn thuở, vĩnh viễn an vui trong xuân thiền - bây giờ và mãi mãi.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/xuan-dat-troi-post70241.html