Xuân Hòa phát triển nghề nuôi thủy sản

Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có sông Sò (một nhánh sông nhỏ của sông Hồng) ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển chảy qua nên lợi thế phát triển nghề nuôi thủy sản cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Hiện nay, trên địa bàn xã có 25 hộ nuôi thủy sản đã tham gia vào HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với tổng diện tích nuôi khoảng 25ha. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có sông Sò (một nhánh sông nhỏ của sông Hồng) ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển chảy qua nên lợi thế phát triển nghề nuôi thủy sản cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Hiện nay, trên địa bàn xã có 25 hộ nuôi thủy sản đã tham gia vào HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với tổng diện tích nuôi khoảng 25ha. Các đối tượng nuôi chủ lực là cá lăng chấm, cá trắm đen, cá chép, cá hồng mỹ, tôm thẻ chân trắng...

Thu hoạch cá tại HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa được thành lập năm 2014. Để hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, HTX thường xuyên tổ chức cho hội viên sinh hoạt để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó cùng các hộ nuôi tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn, phát huy thuận lợi để nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản. Được sự quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND và HTX, các thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản từ các nguyên liệu như: bột tôm, bột cá, đậu tương, ngô...; đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bình quân hàng tháng, HTX giảm được khoảng 200 triệu đồng chi phí thức ăn nuôi thủy sản. Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Các hộ nuôi khi tham gia HTX không chỉ được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả cá, từ việc lựa chọn, ươm cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, mà còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học cũng được quản lý tốt hơn, việc giám sát tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản cũng chặt chẽ hơn... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất”. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi ở Xuân Hòa đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đã tạo sự liên kết giữa các hộ nuôi trong toàn xã, tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản. Theo từng thời điểm, HTX quan sát, kiểm tra độ mặn của nước để thông báo cho các hộ dân lấy nước nuôi tôm, đảm bảo môi trường nước phù hợp cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch được từ 400-500 tấn tôm, cá các loại. Từ khi tham gia HTX, ông Đinh Văn Thiếu đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi hơn 2ha để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống trước kia, ông chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m. Dưới đáy ao, ngoài việc lót bạt, còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ tôm và thức ăn dư thừa. Nhờ đó, nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, hoại tử gan… Nhờ chuyển sang áp dụng mô hình nuôi này, đàn tôm lớn nhanh, khỏe mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch hoàn toàn, bóng đẹp nên thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù, hiện nay dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, nhưng cơ sở nuôi tôm của ông Thiếu vẫn có thị trường ổn định.

Bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi thủy sản ở xã Xuân Hòa còn gặp một số khó khăn như nước sông lên xuống phụ thuộc vào thủy triều nên không chủ động được việc lấy nước. Hệ thống kênh cấp và kênh thải tuy riêng biệt nhưng kênh thải lại xả nước trực tiếp ra sông, ngay gần cống cấp, nước thải của ao nuôi không qua xử lý, gây ô nhiễm cho cấp tại chỗ và các khu nuôi khác. Mặt khác, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giá của các sản phẩm cá trắm đen, cá lăng chấm và các loại cá truyền thống bị giảm mạnh. Giá cá trắm đen, cá lăng chấm tụt giá từ 40-45 nghìn đồng/kg, giá cá trắm cỏ, cá chép... giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với trước; nhiều loại cá đã đến thời gian thu hoạch nhưng chưa thể xuất bán... Thời gian tới, xã Xuân Hòa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ nuôi nhằm nâng cao trách nhiệm, tính cộng đồng từ việc cải tạo ao, lấy và thải nước hợp lý, bảo vệ môi trường nuôi. UBND xã khuyến khích người dân từng bước chuyển dịch nuôi thủy sản theo hướng nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, HTX cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi thủy sản trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa tìm kiếm thị trường trong tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi; kết hợp chặt chẽ giữa nuôi và tiêu thụ sản phẩm với công tác phòng chống dịch COVID-19 để không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202109/xuan-hoa-phat-trien-nghe-nuoi-thuy-san-2546330/