Xuân Lộc - ngày ấy, bây giờ

Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc diễn ra trong 12 ngày đêm từ ngày 9 đến 21-4 cách đây 50 năm đã mở toang 'cánh cửa thép' hướng Đông, tạo đà cho đại quân ta tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Tiến Biểu (bìa phải, ngụ ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) kể về kỷ niệm 50 năm trước. ẢNh:N.Hà

Ông Nguyễn Tiến Biểu (bìa phải, ngụ ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) kể về kỷ niệm 50 năm trước. ẢNh:N.Hà

Sau 50 năm ngày giải phóng, từ vùng đất bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, huyện Xuân Lộc vươn lên trở thành một trong 4 địa phương cấp huyện của cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Ký ức của người trong cuộc

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Biểu, ngụ ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, kể lại vào thời điểm diễn ra cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, ông là trinh sát đặc công thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 21, Sư đoàn 6, Bộ Tư lệnh Miền. Vào tháng 10-1974, ông cùng đơn vị hành quân đánh địch từ khu vực Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) vào Bảo Chánh (xã Xuân Thọ ngày nay).

Với vai trò là lực lượng trinh sát, ông dẫn Tiểu đoàn 20 và Tiểu đoàn 18 thuộc Sư đoàn 6 đi trinh sát, điều nghiên dọc vùng Bảo Chánh, Xuân Hưng.

“Thời điểm đó, vùng Bảo Chánh, Xuân Hưng bạt ngàn đồi núi, đất đai cằn cỗi, hệ thống cơ sở hạ tầng khó khăn nhưng lại thuận lợi cho lực lượng trinh sát. Điều nghiên, vẽ sơ đồ xong, chúng tôi bàn giao lại cho Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 6 đánh vào Căn cứ Rừng Lá, xã Xuân Hưng ngày nay, để tiếp tục điều nghiên khu Bảo Chánh cùng chốt Xuân Phú rồi rút về điều nghiên tại Tổng kho Long Bình, thành phố Biên Hòa ngày nay” - CCB Nguyễn Tiến Biểu kể lại.

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc NGUYỄN THỊ CÁT TIÊN cho biết, huyện đang quản lý trên 2,3 ngàn hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 415 thương binh; 920 người đang được nhận chi trả trợ cấp hàng tháng…

Khi nhắc nhớ về kỷ niệm của 50 năm trước, ông Biểu cho hay, kỷ niệm mà ông nhớ nhất chính là khi điều nghiên xong khu vực Căn cứ Rừng Lá, ông cùng đồng đội được đơn vị cho ăn Tết sớm vào các ngày 27, 28 tháng Chạp chuẩn bị bước sang năm mới để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới.

Dù đã bước vào tuổi 84 nhưng khi kể về những năm tháng chiến đấu ở Bảo Chánh, ông Hồ Quang Bửu, nguyên Bí thư Chi bộ xã Bảo Chánh thời kỳ 1974-1975 vẫn nhớ rất rõ. Ông Bửu kể, xã Bảo Chánh ngày đó có dân số khoảng 1,5 ngàn người. Chi bộ ban đầu có khoảng 10 đảng viên. Đội du kích xã có 10 người và vận động thêm 40 quần chúng làm liên lạc, nắm tin tức. Đây là lực lượng bám xã, phối hợp với quân đội chính quy tiến hành các trận đánh, vây đồn bốt, giữ từng tấc đất quê hương. Chỉ cần quân giải phóng chiếm được ấp nào là đảng viên, du kích sẽ ngay lập tức bám trụ, tuyên truyền cho dân đi theo cách mạng.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thọ và nhiều CCB từng tham gia kháng chiến trong chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, thời điểm trước giải phóng, Bảo Chánh được coi là tiền đồn bảo vệ thị xã Long Khánh, quốc lộ 1A, nên địch tập trung ở đây nhiều quân lực, xây dựng hệ thống đồn bốt kiên cố, lập bộ máy hành chính lớn với đồn, ấp, các tổ phòng vệ. Địch quyết tâm giữ đồn Bảo Chánh để làm bàn đạp đánh sâu vào vùng căn cứ của ta, duy trì hoạt động thám báo của chúng.

Do Bảo Chánh có vị trí chiến lược quan trọng nên bước vào Chiến dịch mùa khô năm 1974-1975, Huyện ủy Xuân Lộc chọn Bảo Chánh làm xã trọng điểm để đánh địch, giải phóng bằng 3 mũi giáp công (binh vận, chính trị, quân sự).

Đến đầu tháng 12-1974, Ban Chỉ huy trận bức hàng đồn Bảo Chánh được thành lập, ông Hồ Quang Bửu được cử làm Phó ban. Sau khi thống nhất phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vũ khí, các mũi binh vận, chính trị, quân sự đồng loạt xuất quân, áp sát vành đai xã Bảo Chánh, bức địch dồn toàn bộ lực lượng về cố thủ ở đồn Bảo Chánh.

Cùng các lực lượng tăng cường, bao vây, pháo kích, tuyên truyền, vận động đến sáng 11-12-1974, toàn bộ chỉ huy, quân lính của đồn Bảo Chánh ra hàng. Giải phóng Bảo Chánh là thắng lợi lịch sử, tạo tiền đề để quân ta tiến lên làm chủ các trận địa dọc quốc lộ 1A, tạo đà giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc…

Vươn lên từ gian khó

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, Xuân Lộc hiện có 15 đơn vị hành chính cấp xã (14 xã, 1 thị trấn) với dân số trên 239 ngàn người. Kế thừa truyền thống anh hùng trong kháng chiến, người dân Xuân Lộc đã nỗ lực vươn lên, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội sau ngày giải phóng.

Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nga Biên trong giờ làm việc. Ảnh:N.Hà

Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nga Biên trong giờ làm việc. Ảnh:N.Hà

Năm 2024, kinh tế - xã hội đạt tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 112 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 13,17%/năm; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 95 triệu đồng; hệ thống chợ, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi… phát triển đa dạng.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nga Biên từ chỗ chỉ có 10 công nhân với nhiệm vụ chẻ điều thủ công, bán nguyên liệu thô, đến nay đã sản xuất, chế biến sâu với 14 sản phẩm từ điều. Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đến một số thị trường như Singapore, Đài Loan - Trung Quốc. Đến cuối năm 2024, doanh nghiệp này đã có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao; 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và dự kiến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Theo Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nga Biên Lê Trung Hiếu, thành quả này ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp còn có sự tạo thuận lợi từ cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn. Chính vì vậy, doanh nghiệp càng phải có trách nhiệm với địa phương trong việc tri ân người có công, gia đình cách mạng và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng…

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hưng Huỳnh Ngọc Tùng bộc bạch: “Xưa kia, cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh gian khổ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì vậy thế hệ hôm nay phải biết ơn người có công, ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương Xuân Lộc ngày càng giàu đẹp”.

Nguyệt Hà

Cựu chiến binh NGUYỄN MẠNH KHỞI, ngụ thị trấn Gia Ray:

Đoàn kết để phát triển

Là một trong những người trực tiếp tham gia nhiều trận đánh thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, sau ngày giải phóng lại có thời gian công tác lâu năm ở huyện Xuân Lộc, chứng kiến sự phát triển mọi mặt ở vùng đất này, tôi cho rằng, yếu tố cốt lõi chính làm nên thành công là truyền thống đoàn kết. Đoàn kết từ nội bộ cấp ủy, chính quyền các cấp đến đoàn kết toàn dân nên đã giúp Xuân Lộc từ mảnh đất bị đạn bom cày xới trở thành vùng phát triển mạnh như ngày nay…

Bà TÔ THỊ NGA, người dân ngụ xã Xuân Hưng:

Luôn biết ơn các thế hệ đi trước

Là người dân sinh sống ở Xuân Lộc, tôi thấy rằng, những thành quả phát triển của Xuân Lộc ngày nay bên cạnh yếu tố đoàn kết, còn có sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước. Chính điều này tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, tạo tiền đề quan trọng để huyện vững bước vào tương lai.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/xuan-loc-ngay-ay-bay-gio-afa3b16/