Xuân sáng ánh điện ở biên giới Mã Hoàng Phìn
BHG - Đón Tết Nguyên đán 2025, người dân thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) rất phấn khởi khi dự án đóng điện lưới quốc gia giai đoạn 2 được hoàn thành, khép lại hành trình đưa điện về cho vùng biên cương còn nhiều khó khăn. Đây là món quà quý giá, dấu mốc quan trọng trong sự phát triển và đổi mới của cộng đồng nơi đây, hứa hẹn một năm mới thịnh vượng và tươi sáng.
Toàn thôn Mã Hoàng Phìn có tổng 43 hộ, 187 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Dự án cấp điện cho thôn Mã Hoàng Phìn được cấp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Cách đây 1 năm, đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2024, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, mang ánh điện sáng trong niềm hân hoan, phấn khởi cho 25 hộ dân tại thôn Mã Hoàng Phìn. Với tổng chiều dài đường điện gần 8km, giai đoạn 2 của dự án được thực hiện và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 23.1.2025, tiếp tục cấp điện lưới quốc gia cho gần 20 hộ của thôn Mã Hoàng Phìn. Đây là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Xuyên, đơn vị thi công và Điện lực thành phố Hà Giang, các đơn vị đã cùng nhau phối hợp thi công và đấu nối hệ thống điện, hoàn thành vượt kế hoạch tới 9 tháng so với dự tính, cấp điện cho bà con đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
![Điện lưới quốc gia chiếu sáng trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân biên giới Mã Hoàng Phìn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_426_51455361/0a2d6a3f5c71b52fec60.jpg)
Điện lưới quốc gia chiếu sáng trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân biên giới Mã Hoàng Phìn.
Đồng chí Phàn Văn Dùi, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Ước mơ có điện đã theo người dân nơi đây hàng chục năm qua. Là địa bàn biên giới, giao thông đi lại khó khăn, không có điện đã làm chậm sự phát triển kinh tế của người dân và địa phương. Nhưng hiện nay, khi đóng điện giai đoạn 2 sẽ là nền tảng giúp người dân ổn định cuộc sống. Qua đó, đưa đời sống người dân nâng lên và góp phần phát triển KT - XH.
Để sát sao chỉ đạo, động viên cán bộ, công nhân viên hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đóng điện, ông Đặng Việt Cường, Giám đốc Điện lực thành phố Hà Giang cho biết: Chúng tôi đã điều động nhân lực, vật lực, triển khai đồng bộ các tuyến để đẩy nhanh triển khai công việc. Với mong muốn người dân vùng biên giới sẽ có điện vui Tết, đón Xuân nên cố gắng đẩy nhanh tiến độ.
![Cán bộ Điện lực thành phố Hà Giang đóng điện cho người dân biên giới Mã Hoàng Phìn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_426_51455361/529639840fcae694bfdb.jpg)
Cán bộ Điện lực thành phố Hà Giang đóng điện cho người dân biên giới Mã Hoàng Phìn.
Với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gần 7,9 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 2 tỷ đồng. Sự hiện diện của điện lưới Quốc gia mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ việc phục vụ sinh hoạt, làm việc, học hành cho con em đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện an ninh trật tự tại địa phương. Với chính sách đúng đắn, sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo của thôn biên giới Mã Hoàng Phìn, mang lại một mùa Xuân thật đặc biệt, tràn ngập niềm vui, hy vọng cho đồng bào nơi đây. Ông Hầu Mí Vương, thôn Mã Hoàng Phìn, hồ hởi chia sẻ: Khi nghe thông báo chuẩn bị đóng điện trước Tết, người dân trong thôn ai cũng háo hức và chuẩn bị xong mọi vật dụng, máy móc để sử dụng. Chúng tôi rất hào hứng và phấn khởi khi tết này 100% người dân trong thôn có điện sáng, đường làng ngõ xóm rực sáng ánh điện.
Thật vui mừng đúng dịp Tết Nguyên đán 2025, ánh điện rực rỡ tiếp tục lan tỏa chiếu sáng từng nếp nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Mã Hoàng Phìn, bà con có một mùa Xuân đầm ấm, tràn ngập hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây chính là minh chứng cho sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với vùng biên cương, cũng như nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.