Xuân trên quê lúa

Năm 2021 đầy khó khăn và thử thách do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nông thôn mới Ân Thi

Trong gian khó chung, tổng thể bức tranh kinh tế của huyện Ân Thi năm 2021 có những điểm sáng đáng trân trọng. So với năm 2020, năng suất lúa bình quân đạt 64,14 tạ/ha, tăng 0,41%, lúa chất lượng cao chiếm 79,63% diện tích gieo cấy, tăng 2,28%; tổng đàn gia súc trên 46 nghìn con, tăng 6,8%, đàn gia cầm đạt 1.370 nghìn con, tăng 15,5%.

Xã Đa Lộc nức tiếng là vùng trồng vải trứng tròn mọng thơm ngon và lợi thế chín sớm hơn các giống vải khác. Năm 2021, huyện đã hoàn thiện hồ sơ và trình UBND tỉnh thẩm định công nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm vải trứng của HTX vải trứng Hưng Yên (địa chỉ tại xã Đa Lộc). Những con đường nội đồng được trải bê tông phẳng lỳ, trong những cánh đồng vải dài tít tắp. Trong tổng số 21 vùng chuyển đổi với diện tích 105 ha được UBND huyện phê duyệt, đến nay toàn xã đã chuyển đổi được khoảng 85ha sang mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập gấp 1,5-1,8 lần cấy lúa.

Ân Thi đang là khu vực tiềm năng với trọng điểm phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Giao thông phát triển, đặc biệt một số tuyến đường lớn có vai trò kết nối một số tỉnh, thành phố qua địa bàn huyện Ân Thi mở ra cơ hội lớn thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong năm 2021, UBND huyện đã đề nghị bổ sung 3 Cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Ân Thi, CCN Kim Thi, CCN Đặng Lễ vào quy hoạch phát triển CCN tỉnh Hưng Yên và cho ý kiến về các đề án bổ sung 3 Khu công nghiệp (KCN): KCN Industrial park Tiên Lữ - Kim Động - Ân Thi; KCN Văn Nhuệ - Hoàng Hoa Thám (KCN Tân Á Đại Thành); KCN số 4 (KCN Hòa Bình) vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Đồng thời xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Ân Thi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng nhà ở và chợ dân sinh Hà Phong huyện Ân Thi. Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan đến công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN sạch, KCN số 3, KCN số 5 thuộc KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt…

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành trong huyện vượt khó triển khai bằng các hình thức linh hoạt. Lực lượng y tế, các lực lượng chức năng và hệ thống chính trị cơ sở không quản ngại ngày, đêm rà soát, truy vết, cách ly, tuyên truyền, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm chủng để kịp tiến độ, thời gian; người dân đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thuận tiêm vắc - xin phòng Covid-19. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ Quỹ vắc xin, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở với số tiền 2,3 tỷ đồng. An sinh xã hội được bảo đảm. Có 66 người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được hỗ trợ tổng số tiền gần 129 triệu đồng. Trên địa bàn huyện có thêm địa chỉ văn hóa, lịch sử để người dân tìm hiểu về một người con ưu tú của vùng đất Ân Thi, thêm tự hào về quê hương. Đó là đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại thị trấn Ân Thi.

Năm 2022, huyện Ân Thi đặt ra mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường quản lý đất đai, môi trường, tăng thu ngân sách. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân; tiếp tục cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202202/xuan-tren-que-lua-15e0c94/