Xuân về bừng lên khát vọng phát triển đất nước
Năm 2021, người dân Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn và biến cố do làn sóng COVID-19 thứ 4 gây ra. Mặc dù nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài và trên diện rộng, các doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhưng Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn đạt và vượt lên kế hoạch. Qua gian khó càng khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Năm Tân Sửu đi qua, năm mới Nhâm Dần mang đến biết bao niềm tin, kỳ vọng, cùng với dự cảm tốt lành và cả dân tộc lại bừng lên khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Khát vọng phát triển đất nước là tổng hòa khát vọng của tất cả mọi con người trong một quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sức mạnh vô song và là động lực trung tâm thúc đẩy sự phát triển đất nước. “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” là một trong những điểm mới đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, nhằm đưa Việt Nam “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đạt được mục tiêu rất to lớn và có ý nghĩa đó, ngoài ý chí, quyết tâm chính trị cao, còn cần phải tạo ra những nguồn lực, động lực mới; trong đó có động lực về “khát vọng phát triển đất nước”.
Đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực đã lớn mạnh hơn nhiều: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Tuy nhiên, để tránh nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước có mức thu nhập cao như mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, bên cạnh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, còn phải triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, nhằm huy động, khai thác được nhiều nguồn lực, nhất các nguồn lực nội sinh, trong đó không thể không tính đến nguồn lực “khát vọng phát triển đất nước”. Do đó, cần xác định khơi dậy khát vọng phát triển đất nước vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực quan trọng và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm, mà còn mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, nhằm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21.
Việc Đảng ta đưa ra quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” trước hết là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết,…; là hiện thân cho những khát vọng của dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và Người đã cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng to lớn đó. Vì vậy, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là cách để Đảng ta, Nhân dân ta quyết tâm thực hiện thành công khát vọng và tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu là xây dựng nước Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Việt Nam vốn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng… Việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” cũng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo xung lực mạnh mẽ trong xây dựng đất nước. Thực tế lịch sử đất nước cho thấy “khát vọng phát triển đất nước” thật sự là một sức mạnh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Và mỗi khi “khát vọng phát triển đất nước” được khơi dậy, thì tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại bùng lên mạnh mẽ; đó là những mặt cơ bản thuộc giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nên nguồn lực nội sinh của dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn lực cho phát triển nhanh như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ,... đã chạm tới hạn, hoặc ngày càng giảm vai trò; thì chỉ có phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị con người Việt Nam, trong đó có ý chí, khát vọng phát triển mới là cơ hội, tiềm năng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trước đây truyền thống văn hiến của dân tộc đã giúp ông cha ta thắng giặc ngoại xâm; hiện nay truyền thống ấy sẽ giúp chúng ta chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, thiết nghĩ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Làm cho ý chí, khát vọng phát triển đất nước trở thành ý chí, khát vọng của mỗi con người Việt Nam, trước hết phải được bắt đầu từ trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; từ đó tạo sự lan tỏa, nhân rộng và phát huy trong toàn xã hội, trở thành giá trị, sức mạnh nội sinh, một nguồn lực, động lực to lớn của đất nước. Thực tế đã chứng minh, ý chí, khát vọng “giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc” là cội nguồn sức mạnh để Đảng ta lãnh đạo Nhân dân thực hiện thành công cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Rõ ràng, mỗi khi ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc được khơi dậy, nhân lên, phát huy phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh muôn người như một.
Tiếp đến, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, nhất là đối với tuổi trẻ về ý chí, khát vọng phát triển đất nước, một nét đặc trưng văn hóa tinh thần của con người Việt Nam được hình thành, giữ gìn, vun đắp, phát triển trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc và được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền một mặt khẳng định những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt là hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đều bắt nguồn từ sự phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển đất nước; mặt khác rất quan trọng là nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, củng cố thêm niềm tin tưởng, sự tự hào và lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, nhận thức đầy đủ, đúng đắn định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế; trong đó lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển đất nước; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, để khoa học và công nghệ thật sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những nút thắt; phá bỏ những rào cản trong cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý văn hóa, quản lý con người, nhất là sự tham nhũng chính sách, cơ chế bao cấp, xin - cho; khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, tệ quan liêu, tham nhũng, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả;... Đó là những nút thắt, rào cản đang làm hạn chế việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển đất nước.
Đặc biệt, Đảng phải biết dựa vào dân, tin vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân sẽ phát huy có hiệu quả khát vọng phát triển đất nước; bởi có được lòng dân sẽ có tất cả và khi đã mất lòng dân thì cũng sẽ mất tất cả, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”. Có thể nói, sự đồng lòng của Nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của Nhân dân; tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đúng như điều Bác Hồ từng căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Do đó, hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước sẽ là động lực chính của sự phát triển. Đó là bài học nóng hổi mà các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục phát huy, để thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật.
Đảng là chủ thể khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, do đó đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.
Có thể nói, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng Hồ Chí Minh, khát vọng của Đảng Cộng sản Việt Nam và khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Năm Tân Sửu đi qua với bao đau thương mất mát nhưng khát vọng và niềm tin về tương lai đất nước trong mỗi người con đất Việt không bao giờ suy giảm. Một năm mới - năm Nhâm Dần lại về, đất trời rạo rực niềm vui; mừng Đảng - mừng Xuân - mừng đất nước phát triển, cả dân tộc ta lại bừng lên khát vọng xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.