Xuân về vùng biên Lý Vạn

Bản vùng biên Lý Vạn, xã Lý Quốc (Hạ Lang) những năm gần đây đang chuyển mình, bừng sáng giữa đại ngàn. Xuân đã về đến ngõ xóm, những thửa ruộng, sườn đồi đất đai cằn cỗi ngày xưa nay thay bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Tết đến, nhà treo câu đối, chậu hoa dán giấy đỏ, tô thắm thêm bức tranh vùng biên tràn ngập sắc xuân.

Trở lại Lý Vạn sau 10 năm, con đường quanh co, trập trùng, gập ghềnh lổn nhổn đá vì xe trọng tải lớn đi lại quá nhiều nay được thay thế bằng con đường rộng lớn trải nhựa. Lý Vạn chào đón chúng tôi bằng một ngày nắng mùa xuân, những cánh hoa đào phớt hồng, mận trắng mong manh rung rinh khoe sắc trong gió núi. Sau từng ấy năm, Lý Vạn khoác lên mình bộ quần áo mới, những ngôi nhà tầng, nhà cấp bốn khang trang. Đi trên con đường mới vào làng, có thể cảm nhận rõ niềm vui, thay đổi rõ nét trong cuộc sống của người dân.

Anh Hứa Văn Phong, Trưởng xóm Lý Vạn kể cho chúng tôi về những đổi thay của vùng đất biên giới: Trước đây, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nghề nghiệp chính là trồng trọt, chăn nuôi, mức thu nhập thấp. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bà con chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2024, hộ nghèo giảm từ 34,5% xuống còn 16,3%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Anh Phong giới thiệu cho chúng tôi những mô hình kinh tế tiêu biểu, sau đó đưa chúng tôi đi thăm nhà chị Lục Thị Mến, một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Chị Mến phấn khởi chia sẻ: Trước đây, cũng như bao gia đình thuần nông khác ở địa phương, đời sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các buổi truyền thông về phát triển kinh tế, tôi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang áp dụng các biện pháp và kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, ngoài 2 vụ chính là trồng lúa, ngô, gia đình tôi trồng rau, nuôi lợn, trồng cỏ voi, nuôi bò sinh sản. Hiện gia đình có 14 con bò, ngoài ra, nuôi thêm lợn mỗi lứa 5 - 6 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

Ban Chỉ huy Quân sự, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn hỗ trợ người dân láng nền nhà, cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đón Tết Nguyên đán.

Ban Chỉ huy Quân sự, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn hỗ trợ người dân láng nền nhà, cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đón Tết Nguyên đán.

Xóm Lý Vạn có 110 hộ, 460 nhân khẩu là dân tộc Tày, Nùng. Để giảm nghèo và làm giàu, xóm tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất. Thực hiện Chương trình 30a, trong năm hỗ trợ 17 con lợn nái sinh sản cho 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các gia đình vay trên 2 tỷ đồng phát triển kinh tế, cho con em đi học... Cuộc sống bà con ngày càng đổi thay, cả xóm có 93 con trâu, 195 con bò, 210 con lợn, 2.000 con gà, 100% hộ có máy cày kéo.

Bằng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương, những năm qua, xóm được đầu tư xây dựng điện, đường, mương thủy lợi... Hiện tại, con đường vào xóm được bê tông hóa, xóm được đầu tư hệ thống điện thắp sáng và nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân. Hưởng ứng phong trào “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2024, bà con xóm Lý Vạn tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất, đóng góp hơn 300 ngày công lao động làm đường ngõ xóm dài 350 m. Vận động 1 hộ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; hỗ trợ 5 hộ sửa chữa, xóa nhà tạm dột nát. Năm 2024, xóm có 98 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, trong đó có 17 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Qua nhiều năm chăm chỉ lao động sản xuất, đời sống của người dân ngày càng sung túc, đủ đầy hơn. Nhiều gia đình mua sắm được các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt hiện đại, 100% hộ có xe máy đi lại và vận chuyển hàng hóa. Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày, làm nên bản làng ngày càng giàu có nơi biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên.

Mai Chi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xuan-ve-vung-bien-ly-van-3174922.html