5 lễ hội đầu năm dành cho tín đồ du lịch tâm linh đích thực

Tết Nguyên tiêu, Hội Xuân núi Bà, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ... đều là những trải nghiệm tâm linh đặc sắc dịp đầu năm tại khu vực miền Nam.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, không khí tưng bừng, náo nhiệt của những lễ hội truyền thống lại lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Với người Việt, du xuân trẩy hội không chỉ là hoạt động vui chơi, giải trí mà còn là dịp để cầu mong một năm mới bình an, may mắn và tài lộc.

Khoác lên mình những bộ quần áo mới, mọi người háo hức rời nhà du xuân, nhiều người chọn hành hương đến những đền chùa cổ kính, nổi tiếng linh thiêng để tham gia vào chuỗi hoạt động lễ hội đặc sắc. Dưới đây là 5 lễ hội tiêu biểu mang đậm nét văn hóa và tín ngưỡng đặc trưng tại miền Nam, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch tâm linh độc đáo.

Lễ hội Tết Nguyên tiêu

Thời gian: 13, 14, 15 tháng Giêng.
Địa điểm: Các chùa, miếu trên khắp miền Nam, đặc biệt là khu vực quận 5, 6, 11 TP.HCM.

Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng - hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên là một ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa của người Việt và người Hoa. Tại TP.HCM, khu vực quận 5 - nơi có đông đảo cộng đồng người Hoa sinh sống tại vùng Chợ Lớn - là nơi lễ hội được tổ chức rộn ràng nhất.

Đây là dịp người dân tổ chức nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng để đón ngày trăng tròn đầu tiên của năm, cũng như chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán.

Đến với lễ hội, người dân và du khách sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động như diễu hành lân - sư - rồng, thả đèn hoa đăng, xem các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của cộng đồng người Hoa, ca kịch tuồng cổ, vẽ tranh thủy mặc, thư pháp... Bên cạnh đó, khách tham quan còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như bánh bá trạng, dimsum, há cảo, xá xíu... và tham dự một số nghi lễ đặc sắc như Lễ tế Thánh của nhóm người Triều Châu, Hội Long Đăng của nhóm Phước Kiến...

Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2025 và đêm thơ Việt Nam diễn ra trong 3 ngày 10, 11, 12 tháng 2 (nhằm ngày 13, 14, 15 tháng Giêng) tại khu vực trung tâm quận 5, quận 6, quận 11 và các hội quán trên địa bàn quận 5.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5 - TP.HCM đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020. Vào dịp lễ này, các gia đình Việt thường bày mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.

Hội Xuân núi Bà Đen

Thời gian: Từ mùng 4 đến hết tháng Giêng.
Địa điểm: Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Tây Ninh.

Không chỉ thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, núi Bà Đen (Tây Ninh) - "nóc nhà" Nam bộ - còn hấp dẫn bởi giá trị tâm linh, nổi bật với Hội Xuân núi Bà Đen diễn ra từ mùng 4 Tết đến hết tháng Giêng âm lịch.

Từ lâu, Hội Xuân núi Bà đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc, là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở miền Nam, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Lễ hội năm nay với chủ đề "Hương sắc Tây Ninh năm 2025" khai mạc vào tối 1/2 (mùng 4 Tết). Vào hôm khai hội, dòng người lũ lượt đổ về đây cắm trại, ngủ qua đêm để tận hưởng nguồn năng lượng an lành, linh thiêng dịp đầu năm mới.

Tham gia lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt với các chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo, các điệu múa Khmer, nhạc ngũ âm… Vào dịp này, người hành hương thường dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu các món lễ cúng như nhang, đèn, hoa, quả, trà, bánh... để xin lộc, cầu mong một năm mới thịnh vượng, bình an.

Ngoài chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, khám phá không gian Phật giáo, du khách còn được chiêm ngưỡng thiên đường hoa tulip với hơn 115.000 gốc đang đua nở, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục từ "nóc nhà" Nam bộ. Ngoài ra, chinh phục đỉnh núi Bà Đen cao 986 m bằng đường rừng cũng là một trải nghiệm thú vị dành cho những ai yêu thích khám phá, mạo hiểm.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Thời gian: Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch.
Địa điểm: Chùa Bà Thiên Hậu, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một sự kiện văn hóa đặc sắc của vùng Đông Nam Bộ, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng tại tỉnh Bình Dương. Điểm nhấn của lễ hội cũng là hoạt động được trông chờ nhất đó là lễ rước kiệu Bà diễn ra vào sáng ngày 14.

Người dân sẽ hòa cùng đoàn diễu hành gồm các đội múa lân sư rồng, nhạc lễ và cờ xí rực rỡ mang theo tượng bà đi khắp các con đường ở trung tâm thành phố. Kiệu Bà đi đến đâu, các hộ dân ở đó sẽ ra cửa thắp nhang đèn và vái lạy để cầu bình an.

Đến Rằm tháng Giêng, người dân địa phương và các khu vực lân cận đổ về chùa Bà dâng lễ, thắp hương, cầu mong bình an và tài lộc cho năm mới. Đến với TP Thủ Dầu Một vào dịp này, du khách sẽ được đón tiếp nồng hậu, hòa mình vào một trong những lễ hội dân gian đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ.

Lễ hội Dinh Cô

Thời gian: Ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm: Khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh những bãi biển đẹp và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, Bà Rịa - Vũng Tàu còn thu hút khách du lịch bởi lễ hội Dinh Cô dịp đầu năm mới. Đây là một trong những lễ hội lớn ở vùng biển Nam bộ, là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Mẫu Liễu Hạnh, với biển cả, và cầu mong an lành, bội thu cho những chuyến ra khơi đánh bắt. Lễ hội thu hút hàng chục nghìn ngư dân và du khách từ nhiều nơi đến tham dự.

Đến với lễ hội, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về các nghi lễ đặc trưng như lễ cầu an, đêm hội hoa đăng trên biển trước ngày chính lễ. Đặc biệt, sáng ngày chính lễ (12/2 âm lịch) diễn ra lễ Nghinh Cô với hàng chục chiếc ghe thuyền của dân chài giỏi nhất trong năm được trang hoàng lộng lẫy nối nhau ra khơi trong tiếng trống vang trời, mang theo mong ước trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Về phần hội, đến với Long Hải dịp này, người dân địa phương và du khách sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động đặc trưng như xem biểu diễn ca cổ, hát bả trạo, đờn ca tài tử, múa lân - sư - rồng, thi các trò chơi dân gian miền biển (đan lưới, gánh cá, đua thúng…) đến từ các đội thi từ nhiều tỉnh thành về đây tham dự. Lễ hội Dinh Cô đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023.

Đến với Long Hải dịp này, du khách có thể thỏa thích tắm biển, khám phá núi Minh Đạm, tham quan Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên, thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon với giá bình dân.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ

Thời gian: Từ ngày 22 đến 27 tháng 4 âm lịch.
Địa điểm: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ cuối năm 2024.

Hàng năm, cứ đến tháng 4 âm lịch, đông đảo người dân và du khách nô nức về An Giang hành hương, chiêm bái và tham dự lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Chính lễ được diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng tư âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Đây là dịp để người dân thực hiện các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, bày tỏ lòng thành kính biết ơn dành cho Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.

Lễ hội vía bà gồm 2 phần lễ và hội với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, mang đậm tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân địa phương. Phần lễ với các nghi thức chính như Lễ phục hiện rước tượng Bà, Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu, Lễ Chánh tế, Lễ Hồi Sắc,... thể hiện không khí trang nghiêm, hoành tráng.

Bên cạnh khám phá những lễ nghi truyền thống, du khách còn được tham gia vào nhiều hoạt động phần hội được tổ chức đan xen như biển diễn múa mâm thao, múa bóng rỗi, lân sư rồng; các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, đẩy gậy, thả diều nghệ thuật….

Lưu ý, các dịp lễ hội thường quy tụ hàng nghìn người nên không thể tránh khỏi chen chúc, xô đẩy, vì vậy các bạn hãy bảo vệ tài sản thật cẩn thận để tránh bị trộm cắp, móc túi. Về phần nhang đèn, đồ lễ, khách hành hương nên mua sẵn từ các cửa hàng uy tín, tránh bị "chém giá" từ những người bán dạo, không nhận lộc từ bất kỳ ai để tránh bị mất tiền oan.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/5-le-hoi-dau-nam-danh-cho-tin-do-du-lich-tam-linh-dich-thuc-post1529375.html