Xuất bản Việt bước vào năm 2025: Nhiều dư địa để phát triển
Ở những nhánh tưởng chừng bão hòa nhất, ngành xuất bản vẫn còn lại nhiều khoảnh đất tiềm năng cho những ai nắm bắt được khao khát của độc giả, nhu cầu của thị trường.
Trò chuyện với Tri thức - ZNews dịp năm mới, đại diện hai đơn vị xuất bản tuổi đời còn khá non trẻ bày tỏ sự lạc quan vào sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Liên tục cập nhật, học hỏi trên con đường làm sách, họ tự tin "biết người biết ta", tự tin rằng sản phẩm chất lượng mà mình đem tới là điều mà độc giả Việt đang cần và đang đón đợi.
Từ sách phi hư cấu
Theo ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES), thị trường sách Việt Nam phụ thuộc mật thiết vào khai thác bản quyền nước ngoài: mỗi năm đều có hàng nghìn tác phẩm thuộc đa dạng thể loại từ văn học, khoa học tự nhiên và xã hội đến công nghệ, kinh doanh... được dịch và xuất bản, chưa kể đến những cuốn sách được ưa chuộng được tái bản. Tuy nhiên, con số này vẫn như "muối bỏ biển so với lượng sách trên Amazon", vì thị trường sách quốc tế là bao la.
Do đó, kể cả với thị trường tưởng chừng đã bão hòa như sách dịch, vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác. Bản thân TIMES, quan sát thấy nhu cầu lớn với sách khoa học, giáo dục - những trụ cột nền tảng cho sự phát triển, tiến bộ xã hội - đã lựa chọn mảng sách này là trọng tâm cho chương trình xuất bản của mình. Vì đánh trúng "cơn khát" của thị trường nên nhiều cuốn sách thức thời, cần thiết trong bối cảnh hiện nay như Sóng thần công nghệ nhanh chóng được độc giả chào đón.
Tuy nhiên, Giám đốc TIMES cũng nhận định rằng bên cạnh nhập khẩu tri thức, thị trường Việt rất cần những cuốn sách của tác giả Việt, nội dung đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, dành cho độc giả Việt. Theo ông, hiện nay trong mọi mảng sách tỉ lệ tác giả Việt còn mỏng, yếu. Điều này cũng không thể trách các đơn vị xuất bản, vì xuất bản âu cũng là câu chuyện kinh doanh: sách phát hành rồi có bán và cạnh tranh được trên thị trường hay không cũng là một bài toán khó.
Để giải bài toán này, ông Đại cho rằng đơn vị xuất bản nên quan sát để nhạy bén hơn về thời điểm kinh doanh và nhu cầu thị trường, chứ không chỉ chú trọng về nội dung. Để bắt kịp nhịp phát triển của xã hội, kinh tế hiện nay, đơn vị xuất bản có thể chủ động tìm kiếm và đặt hàng chuyên gia viết những cuốn sách phù hợp và cần thiết với bối cảnh hiện đại. Đây là cách mà TIMES đã làm với ấn phẩm Chiến trường bán dẫn.
Ông Vũ Trọng Đại dự đoán trong năm 2025, mảng sách khoa học - công nghệ sẽ tiếp tục là xu hướng đáng chú ý của xuất bản Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu độc giả trong làn sóng công nghệ mới của kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, nhất là khi nó đang được hậu thuẫn bởi quyết tâm của lãnh đạo đất nước, lấy khoa học - công nghệ làm mũi nhọn để quốc gia vươn mình.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển sôi động, hội nhập đa phương sâu rộng, trong bối cảnh thế giới nhiều bấp bênh và đang chuyển mình khôn lường về chính trị, kinh tế, công nghệ và môi trường, thêm vào bức tranh đó là cuộc chuyển giao thế hệ có trung tâm là thế hệ Gen Z đang dò dẫm tìm kiếm căn tính của thế hệ mình. Theo ông Đại, những yếu tố này tạo nên áp lực lớn trong xã hội, do đó dẫn đến nhu cầu bức thiết đối với tri thức về tâm lý học.
Ngành tâm lý học trong vài năm gần đây là mã ngành "hot", thu hút nhiều sinh viên; và “chữa lành” là hiện tượng xã hội của năm 2024 là vài minh chứng cho xu hướng này. Do đó, dòng sách tâm lý - xã hội có thể tiếp tục phát triển hơn nữa tại thị trường Việt Nam; đồng thời pha trộn trong nhóm sách này có thể gồm cả sách mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng.
Nếu nắm bắt đúng được khoảng trống của thị trường, rất nhiều đơn vị xuất bản mới có thể gia nhập vào ngành và khai thác những ngách đi, con đường mới, giữa một nền xuất bản nhộn nhịp và cạnh tranh.
Đến sách tranh thơ
Tương tự, theo Quỳnh Hương - Nhà sáng lập Slowbooks, dù sách thiếu nhi tại Việt Nam phát triển nở rộ đặc biệt trong vài năm gần đây, các dòng sách truyền thống như văn học thiếu nhi, sách truyện minh họa, sách lịch sử - khoa học bằng tranh thiên về tính giáo dục vẫn chiếm ưu thế. Trong khi đó, dòng sách tranh chú trọng vào tính nghệ thuật và kể chuyện bằng hình ảnh vẫn còn tương đối ít, và hầu hết là dịch từ tác phẩm nước ngoài. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều đất để chào đón những tác giả, họa sĩ mới mong muốn đầu tư nghiêm túc cho công việc sáng tác sách tranh.
Với phương châm đề cao tính bản địa và cảm thức nơi chốn, tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng sáng tạo và thể hiện bản sắc cho họa sĩ, trong năm vừa qua, các tác phẩm do Slowbooks phát hành như Chầm chậm như nước, Dạo bước với Thời gian, Xuân mời mặt đất nở hoa, Dáng hình của đêm đều mở ra một thế giới gần gũi với trẻ em Việt Nam trên trang sách.
Đây là những cuốn sách mà tác giả Quỳnh Hương có thể tự hào "khoe" với bạn bè làm sách tranh quốc tế vì chất lượng được đầu tư kỹ lưỡng trên mỗi câu chữ và chi tiết hình ảnh, đảm bảo phù hợp với mức độ nhận biết và cảm thụ của những lứa tuổi thiếu nhi - thiếu niên riêng biệt, đồng thời cũng là những cuốn sách mà bất kỳ người lớn nào cũng có thể thưởng thức.
Được tiếp xúc với thế giới sách tranh đa dạng trong các chuyến công tác tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đức... Quỳnh Hương kỳ vọng các hoạt động kết nối, giao lưu mà SlowCircle - cộng đồng sáng tác sách thiếu nhi do chị khởi xướng - sẽ đưa tác giả, họa sĩ Việt đến gần hơn với bạn bè làm sách thiếu nhi quốc tế. Chị cũng mong sẽ có thêm nhiều đơn vị tạo điều kiện sáng tạo cho tác giả sách tranh để trẻ em tại Việt Nam cũng có một thế giới sách tranh phong phú.
Trong năm 2024, xuất bản 5 tác phẩm sách tranh có cách tiếp cận còn tương đối xa lạ với thị trường Việt Nam nơi phụ huynh vẫn thường dành ưu tiên hàng đầu cho dòng sách kiến thức, kỹ năng khi chọn sách cho con, Slowbooks cũng khá "mạo hiểm" với hướng đi riêng của mình. Tuy nhiên, thành quả gặt hái lại rất khả quan khi các cuốn sách nhận được phản hồi tốt từ độc giả người lớn lẫn độc giả nhí, riêng tác phẩm Xuân mời mặt đất nở hoa còn "cháy hàng" dịp trước Tết. Điều này tiếp động lực cho đội ngũ Slowbooks thêm tự tin vào những ấn phẩm hứa hẹn sẽ trải đều xuyên suốt năm 2025.
Với những nỗ lực bền bỉ của những đơn vị kỳ cựu lẫn những người mới trong cuộc chơi, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thị trường xuất bản khởi sắc trong năm 2025. Đặc biệt, tri thức bản địa và bản sắc văn hóa, cùng dấu ấn cá nhân của tác giả, xuyên suốt các thể loại từ sách phi hư cấu đến văn học, sách tranh,... sẽ góp phần củng cố sức mạnh nội sinh của ngành, từ đó tạo ra nguồn tác phẩm phục vụ ước mơ "xuất khẩu", vươn ra thế giới bấy lâu của xuất bản Việt.