Xuất khẩu cá tra khởi sắc: Cần chiến lược chế biến sâu để nâng giá trị

Sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, ngành cá tra cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa với chiến lược tập trung vào chế biến sâu.

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Trong quý I/2025, xuất khẩu cá tra đã đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng hồi phục ổn định.

Mỹ vẫn là thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam và đã tăng trưởng mạnh trở lại. Đáng chú ý, việc Mỹ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp đầu ngành, đã tạo cú hích lớn cho xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, các thị trường như Trung Đông, châu Phi và UAE cũng đang có mức tăng trưởng tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngành cá tra đang từng bước mở rộng sang các thị trường mới nổi, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục ổn định.

Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục ổn định.

Bên cạnh những tín hiệu vui, nhiều chuyên gia cho rằng ngành cá tra vẫn đang đối mặt với một “trần giá trị” nếu không thay đổi cách tiếp cận thị trường. Nguyên nhân là do phần lớn sản phẩm xuất khẩu hiện nay vẫn là hàng sơ chế, chủ yếu là fillet đông lạnh, với giá trị gia tăng thấp.

Theo số liệu từ VASEP, cá tra phi-lê đông lạnh hiện chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, sản phẩm chế biến sâu như cá cuộn, viên, đóng hộp, snack da cá… chỉ chiếm khoảng 4%, mặc dù có giá bán cao hơn từ 30-50% so với phi-lê đông lạnh.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm chia sẻ, giá trị xuất khẩu có thể tăng gấp rưỡi nếu doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Nhưng thực tế, phần lớn vẫn đang chạy theo số lượng thay vì chất lượng và giá trị.

Không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh tế, việc tập trung vào chế biến sâu còn là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng toàn cầu. Các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tiện lợi, chế biến sẵn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Cá tra phi lê đông lạnh hiện chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu

Cá tra phi lê đông lạnh hiện chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp thủy sản lớn tại Việt Nam đã chủ động đầu tư vào công nghệ chế biến và xây dựng chuỗi giá trị khép kín, mang lại hiệu quả rõ rệt. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn hiện chiếm hơn 15% thị phần cá tra xuất khẩu của Việt Nam và đang đẩy mạnh dòng sản phẩm chế biến cao cấp như cá tra hấp sẵn, cá cuộn phô mai, snack da cá… Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu của Vĩnh Hoàn chiếm hơn 10% doanh thu, nhưng lại đóng góp tới gần 25% lợi nhuận gộp.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, đầu tư vào chế biến sâu không chỉ giúp tăng lợi nhuận mà còn giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, đặc biệt là về giá. Khi làm chủ được chuỗi sản xuất từ vùng nuôi đến sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp cũng có nhiều lợi thế hơn trong đàm phán thương mại.

Tương tự, Công ty Nam Việt và IDI cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dây chuyền chế biến tự động, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường Trung Đông, Đông Âu và Nam Mỹ.

Giá trị xuất khẩu có thể tăng gấp rưỡi nếu doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu

Giá trị xuất khẩu có thể tăng gấp rưỡi nếu doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu

Để thúc đẩy ngành cá tra chuyển từ “lượng” sang “chất”, giới chuyên môn cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, việc xây dựng các trung tâm chế biến thủy sản tập trung tại các vùng nuôi lớn như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho cá tra chế biến cần được tăng cường. Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nhà nhập khẩu. Chúng ta cần có một chiến lược dài hơi để xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam tương tự như cách làm của Na Uy với cá hồi.

Cuối cùng, việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, nâng cao tiêu chuẩn nuôi và truy xuất nguồn gốc sẽ là nền tảng cho quá trình chuyển đổi mô hình từ sản xuất hàng thô sang hàng tinh. Đây cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới để ngành cá tra xuất khẩu thực sự bứt phá và phát triển bền vững.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-ca-tra-khoi-sac-can-chien-luoc-che-bien-sau-de-nang-gia-tri-164547.html