Xuất khẩu của Trung Quốc có thể khởi sắc trước thời hạn Mỹ tái áp thuế
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 nhiều khả năng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn để tránh rủi ro thuế của Mỹ.

Tàu container tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 nhiều khả năng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn để tránh rủi ro từ việc Mỹ có thể khôi phục mức thuế cao hơn nếu thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời giữa hai nước đổ vỡ.
Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters với 23 nhà kinh tế, giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Sáu vừa qua có thể tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn mức tăng 4,8% ghi nhận trong tháng Năm. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng 1,3%, đảo chiều so với mức giảm 3,4% của tháng trước đó, trong bối cảnh nhu cầu nội địa đang dần phục hồi nhờ các biện pháp hỗ trợ chính sách được triển khai từ cuối năm 2024.
Theo dữ liệu từ công ty công nghệ chuỗi cung ứng Descartes công bố mới đây, hoạt động nhập khẩu hàng hóa vận chuyển trong các container từ Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 6/2025 đã giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động này ghi nhận mức sụt giảm mạnh, sau khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa từ đối tác thương mại đường biển lớn nhất của nước này. Báo cáo phân tích dữ liệu vận đơn từ Hải quan Mỹ của Descartes cho hay, tổng lượng hàng nhập khẩu trong các container vào Mỹ trong tháng 6/2025 đạt 2,2 triệu TEU (đơn vị tương đương 1 container có sức chứa 20 feet), giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt 639.300 TEU. Việc sụt giảm diễn ra sau một thời gian dài các nhà nhập khẩu Mỹ dồn dập đưa hàng về trước hạn chót áp thuế, khiến khối lượng nhập khẩu trước đó ở gần mức cao kỷ lục. Thị phần hàng Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Mỹ hiện giảm còn 28,8% trong tháng 6/2025, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 40% ghi nhận vào tháng 7/2024. Điều này khiến các mặt hàng phổ biến nhập từ Trung Quốc như đồ nội thất, đồ chơi, dệt may và giày dép đều đồng loạt giảm trong tháng qua. Chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump – với nhiều vòng áp thuế "ăn miếng trả miếng" nhằm vào Trung Quốc – đã gây sức ép đáng kể lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời cũng là phép thử lớn đối với mô hình tăng trưởng truyền thống của nước này. Một thỏa thuận đình chiến tạm thời được hai bên nhất trí trong các cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) hồi tháng 5/2025 suýt bị đổ vỡ khi Mỹ cho rằng Trung Quốc không thực hiện cam kết nới lỏng kiểm soát đối với xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp từ điện tử đến quốc phòng. Tình hình chỉ dịu lại sau hai ngày đàm phán tiếp theo tại London (Vương quốc Anh) vào tháng 6/2025, khi hai bên đồng ý khôi phục lệnh đình chiến thuế quan. Tuy nhiên, do ít chi tiết được công bố, giới thương nhân và nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng thiếu ổn định của quan hệ thương mại hai nước. Trung Quốc đang đối mặt với hạn chót 12/8 để đạt được một thỏa thuận bền vững với Nhà Trắng, trong khi Tổng thống Trump tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thuế với nhiều đối tác thương mại khác. Một số nhà phân tích nhận định ông Trump có thể gây áp lực buộc các nước này hạn chế giao thương với Trung Quốc để đổi lấy việc được miễn giảm thuế từ phía Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng cảnh báo sẽ sớm áp mức thuế 10% với hàng nhập khẩu từ các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS – trong đó Trung Quốc là một thành viên sáng lập. Đây được xem là rủi ro kinh tế mới đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng có dấu hiệu leo thang. Chỉ vài tuần trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 diễn ra mới đây tại Brazil (Bra-xin), EU cho rằng Trung Quốc gây ra tình trạng dư cung toàn cầu, hạn chế quyền tiếp cận thị trường, và hỗ trợ nền kinh tế đang bị trừng phạt Nga. Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp các mức thuế chống bán phá giá lên tới 34,9% đối với các loại rượu mạnh (brandy) có xuất xứ từ EU trong thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 5/7/. Quyết định được đưa ra dựa trên kết quả cuộc điều tra được Trung Quốc khởi động từ năm ngoái đối với các loại rượu mạnh của châu Âu, phần lớn là rượu cognac của Pháp. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cuộc điều tra của nước này đã đi đến kết luận rằng các sản phẩm rượu mạnh từ EU đang được bán phá giá tại Trung Quốc, gây tổn hại đáng kể đến ngành sản xuất rượu trong nước.